Tạp chí Văn nghệ Bình Phước qua gần một năm nhìn lại
Trần Quân
2017-03-29T20:57:50-04:00
2017-03-29T20:57:50-04:00
https://tinhuybinhphuoc.vn/news/Van-hoa-Xa-hoi/Tap-chi-Van-nghe-Binh-Phuoc-qua-gan-mot-nam-nhin-lai-1248.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
Đảng Bộ tỉnh Bình Phước
https://tinhuybinhphuoc.vn/uploads/cobay-ncp.gif
Thứ tư - 29/03/2017 20:57
Tạp chí Văn nghệ Bình Phước là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, là diễn đàn văn nghệ của đội ngũ văn nghệ sỹ và những người yêu thích văn học, nghệ thuật ở địa phương.
Thời gian qua Tạp chí đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quảng bá, giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với đông đảo công chúng thông qua các sáng tác bởi lực lượng văn nghệ sỹ ở địa phương cũng như một số bài viết của các cộng tác viên ngoài tỉnh; đồng thời Tạp chí cũng đã thông tin kịp thời tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và giới thiệu những nội dung cơ bản các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, Tạp chí còn một số hạn chế nhất định mà nguyên nhân chính là do năng lực, trình độ của đội ngũ biên tập Tạp chí còn yếu; lãnh đạo Hội có lúc còn buông lỏng trong công tác quản lý đối với Tạp chí; lực lượng cộng tác viên không ổn định, chưa thật sự gắn bó với Tạp chí, tác phẩm gửi đăng nhiều, nhưng ít có tác phẩm tốt, ấn tượng. Do đó, đa số tác phẩm, bài viết được in trong mỗi số phát hành chất lượng chưa cao, nhiều tác phẩm thể hiện còn hời hợt, thiếu chiều sâu; tác phẩm viết về đề tài kháng chiến cũng như công cuộc đổi mới gần như thiếu vắng hoặc có nhưng rất ít tác phẩm thật sự hay, xuất sắc; thậm chí Tạp chí đã cho đăng một số tác phẩm có nội dung không phù hợp, sai sót về tư tưởng chính trị…Điểm qua một số hạn chế trên, cho thấy tinh thần trách nhiệm của ban biên tập chưa cao, biên tập chưa kỹ, còn dễ dãi trong khâu duyệt bài, in ấn, chưa nhạy bén về chính trị; một số hội viên, cộng tác viên còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhất là về vốn sống thực tế, tay nghề, tâm huyết, sự đam mê lao động nghệ thuật. Ngoài ra, một số cơ quan tham mưu cho cấp ủy chịu trách nhiệm theo dõi về mặt nội dung Tạp chí; các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước đối với Tạp chí; cơ quan chủ quản của Tạp chí và lãnh đạo Tạp chí chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.
Từ những nhược điểm chủ yếu trên, đòi hỏi cần sớm khắc phục, tháng 6/2016 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức tọa đàm nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ. Qua gần một năm nhìn lại, Tạp chí cơ bản khắc phục một số hạn chế mà trong buổi tọa đàm đã chỉ ra. Đó là:
Thứ nhất, về đội ngũ biên tập, nhân viên, họa sỹ trình bày đã được sắp xếp, phân, công phân nhiệm cụ thể, khoa học, nên đã khắc phục dần một số khó khăn, tồn tại, xây dựng đội ngũ biên tập bước đầu có tính chuyên nghiệp. Để nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, Hội đã cử nhiều đồng chí trong Ban Biên tập dự học các lớp lý luận chính trị và các lớp nghiệp vụ về kỹ năng tác nghiệp, trình bày, biên tập báo chí... do các cơ quan chuyên môn của Trung ương và tỉnh tổ chức. Từ đó, đội ngũ biên tập của Tạp chí chuyên nghiệp hơn về công tác biên tập, nghiên cứu chuyên sâu và tổ chức nội dung khoa học, chủ động, làm việc theo lộ trình, kế hoạch.
Thứ hai, về lực lượng cộng tác viên ngày được mở rộng, Ban Biên tập đã chủ động tìm kiếm, vận dụng gắn kết đội ngũ cộng tác viên với Tạp chí bằng nhiều hình thức phù hợp để thu hút lực lượng này gắn bó lâu dài với Tạp chí như triển khai tổ chức họp mặt các cộng tác viên theo đợt, mỗi đợt khoảng 10 cộng tác viên, đồng thời lồng ghép việc giao lưu, trao đổi với các cộng tác viên trong sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý của các chi hội trực thuộc, trong dịp gặp mặt cộng tác viên hàng năm nhằm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, động viên tích cực tham gia sáng tác, viết bài gửi đăng trên Tạp chí và định hướng sáng tác. Đến nay, tập hợp khoảng 120 cộng tác viên (kể cả không thường xuyên), trong đó có khoảng 30 cộng tác viên là những cây bút trẻ, cây bút học đường và 40 cộng tác viên mới, so với thời gian trước số lượng cộng tác viên tăng thêm 30%.
Thứ ba, về nội dung, hình thức thể hiện được Ban Biên tập điều chỉnh theo hướng ngày càng chất lượng, hấp dẫn bạn đọc. Tạp chí đã xây dựng thêm một số chuyên trang, chuyên mục, bài viết, sáng tác phong phú, đa dạng trong mỗi số phát hành. Ngoài các chuyên trang, chuyên mục như trước đây đã xây dựng thêm chuyên mục Di sản Bình Phước; Đối thoại internet; Phỏng vấn đồng chí lãnh đạo tỉnh ở các số đặc biệt. Các bài viết, sáng tác được sàng lọc, chọn lựa kỹ, ưu tiên tác phẩm phản ánh đề tài về vùng đất, con người Bình Phước. Hình thức trình bày đa dạng, hấp dẫn, đảm bảo tính chính trị, nghiêm túc, trang trọng. Bố trí hợp lý các trang, cỡ chữ, hình ảnh minh họa phù hợp, không còn dễ dãi như trước đây.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để nâng cao chất lượng đối với Tạp chí Văn nghệ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ hơn; sự phối hợp giữa Tạp chí Văn nghệ với các cơ quan báo chí địa phương hiệu quả, thiết thực; công tác phát hành được mở rộng, theo hướng ngày càng xã hội hóa.
Đây mới chỉ là kết quả bước đầu, thời gian tới cần có sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng Tạp chí ngày càng chất lượng hơn để Tạp chí xứng đáng là diễn đàn, là sân chơi bổ ích của các văn nghệ sỹ và những người yêu thích văn học, nghệ thuật, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.