Thế trận giằng co và công tác chuẩn bị cho trận đánh đồi A1... Sau những ngày im ắng đáng sợ - cái yên lặng của mắt bão - thì đúng 17 giờ ngày 30/3/1954, toàn mặt trận ầm vang tiếng súng tiến công của quân ta. Các ngọn đồi khu Đông mang tên C1, D1, D2, E1, A1, các trận địa pháo binh và các khu vực tập trung quân cơ động của quân Pháp mịt mùng khói đạn. Tuy đã có chuẩn bị, nhưng quân Pháp vẫn không kịp đối phó trong những phút đầu tiên. Trận chiến đấu tiếp diễn suốt đêm. Sáng hôm sau, 31/3, tin tức loan đi, các cao điểm C1, D1, D2, E1 đã bị quân ta tiêu diệt.Chiến thắng có phần giòn giã, nhưng không trọn vẹn. Cao điểm A1, cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, do một tiểu đoàn lê dương đóng giữ vẫn còn. Trung đoàn 174 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy đã bị thương vong nặng. Tuy vậy, các chiến sỹ vẫn không lùi bước. Đến 21 giờ, đột phá khẩu được mở, nhưng các mũi thọc sâu lại gặp khó khăn, không phát triển được trong tung thâm. Hỏa lực địch chia cắt quân ta làm nhiều bộ phận, gây cho ta nhiều tổn thất. Trận đánh kéo dài trong thế bất lợi cho ta. Tảng sáng hôm sau, được pháo binh và xe tăng yểm hộ, địch đưa quân từ Mường Thanh ra phản kích, chiếm lại gần hết ngọn đồi. Quân ta chỉ còn giữ được mỏm thia lia, thấp hơn đỉnh đồi chừng hai mét…A1 (quân Pháp gọi là Eliane 2) nằm trong hệ thống cứ điểm trên dãy đồi phía Đông của Mường Thanh. Đồi A1 cao hơn mặt đất 49m, dài 200m, rộng 80m hình bầu dục, đồi cao nên rất tiện cho việc tổ chức các tuyến phòng ngự. Phía Bắc giáp C2 và C1 cách 200m. Đồi C2 thấp hơn C1 khoảng 5m lại ở thụt vào bên trong. Đồi C1 cao hơn A1 khoảng 2m, nhô ra ngoài nên hoả lực Pháp bố trí trên 3 điểm cao này tạo thành một lưới lửa dày đặc về phía Bắc A1 và có thể chi viện cho nhau đắc lực khi bị tiến công; phía Tây giáp A2, A3 (2 cứ điểm này tuy đóng trên đất bằng nên thấp hơn A1 nhiều, nhưng lại nhô ra phía Nam A1, rất tiện cho quân Pháp dùng làm bàn đạp tăng viện cho A1 thực hành phản xung phong và bảo vệ bên sườn phía Tây và Nam A1). A1 lại là điểm cao cuối cùng về phía Nam khu Đông gần đường sang Sở Chỉ huy của Đại tá Đờ Cát-xtơ-ri (gần cuối cuộc chiến được phong hàm Thiếu tướng). Do vậy, nếu quân ta chiếm được A1 thì các cứ điểm C1, C2 bị uy hiếp mạnh, đồng thời ngăn chặn được quân Pháp cơ động từ trung tâm ra phản kích, thì sẽ tạo điều kiện để quân ta triển khai tiếp cận làm bàn đạp phát triển vào trung tâm...Từ những phân tích, nhận định như vậy, nên Bộ Chỉ huy Chiến dịch của ta ngay từ đầu đã xác định, điểm cao A1 là một trong các cứ điểm quan trọng nhất của dãy đồi phía Đông. Nó có tác dụng che sườn cho phân khu Đông, đồng thời cùng các điểm cao khác tạo thành một bức bình phong bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Do vậy, bằng mọi giá phải đánh chiếm cho bằng được, và đây chính là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của đợt tiến công thứ 2. Bộ đội ta dũng cảm tiến công chiến đấu giành giật với quân Pháp trên đồi A1 (Ảnh: tư liệu TTXVN)
… Quay trở lại trận đánh trên đồi A1. Ở Bộ Chỉ huy mặt trận cũng như khắp các đơn vị, nỗi lo lắng không còn là của riêng ai. Kinh nghiệm chiến đấu cho thấy, hễ không tiêu diệt gọn, phải đánh kéo dài thì khó khăn gấp bội.Suốt ngày 31/3, quân Pháp phản kích ác liệt hòng ngăn chặn và đẩy lui các đợt tấn công của quân ta. Ngay chiều hôm ấy, Trung đoàn 102, đội dự bị của mặt trận khu Đông, được lệnh ra quân, thay thế Trung đoàn 174 tiếp tục tiến công lần thứ hai nhằm tiêu diệt cứ điểm A1. Trận đánh diễn ra rất ác liệt trong thế giằng co. Quân ta phát hiện ra trên đỉnh đồi có một hầm ngầm, nhưng quy mô của nó thế nào thì không rõ, cửa hầm ở hướng nào cũng chưa tìm ra, chỉ biết hỏa lực ở đấy vẫn bắn ra không ngớt.Đêm mồng 1/4, cuộc tiến công lần thứ ba vào cứ điểm A1 bắt đầu, lần này hoàn toàn do Trung đoàn 102 đảm trách, với sự chi viện của pháo binh mặt trận. Bộ đội chiến đấu vô cùng anh dũng, nhưng địa hình không biết, cửa hầm ngầm không phát hiện được, quân Pháp lại phản kích ồ ạt nên không sao dứt điểm. Hỏa lực pháo binh của quân Pháp (mặc dù viên Trung tá Charles Piroth - Tư lệnh Pháp binh của quân Pháp đã phải tự sát ngay sau khi đồn Him Lam thất thủ) đã gây cho ta nhiều tổn thất.Sáng ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa, quân ta và quân Pháp vẫn giành nhau từng tấc đất. Không thiếu những hành động dũng cảm. Nổi bật lên nhiều tấm gương anh hùng. Đó là Trung đoàn trưởng Hùng Sinh gan dạ, bình tĩnh trực tiếp chiến đấu cùng với chiến sỹ đánh lui nhiều đợt phản kích của quân Pháp. Đó là chiến sỹ điện thanh Chu Văn Mùi, lẻ loi một mình trên đỉnh đồi, không một hạt cơm vào bụng, vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu kỳ lạ: vừa đánh địch, bảo vệ thương binh, vừa dùng máy điện thanh chỉ mục tiêu cho pháo ta diệt địch. Đó là Đại đội trưởng Bảo Sằng (tức Quang Long), một thanh niên xứ Huế xuất thân hoàng tộc, đã chỉ huy đại đội chiến đấu đến người cuối cùng và anh dũng hy sinh.Chiến đấu kéo dài, ác liệt. Lực lượng ta mỏng dần. Cứ mỗi người bị thương lại mất thêm hai chiến sỹ cõng thương binh về phía sau. Phải tìm mọi cách giữ gìn và bổ sung quân số. Có lúc, tất cả cán bộ, chiến sỹ cơ quan trung đoàn bộ đều ra chiến đấu, bổ sung cho các đơn vị phía trước. Thương binh trở về phía sau được phân loại ngay tại chỗ. Người bị thương vừa và nặng được đưa vào trạm cấp cứu. Những người bị thương nhẹ được băng bó ngay, nhiều đồng chí lại trở tiếp tục chiến đấu. Bộc phá được điều lên. Từ chỉ huy đến chiến sỹ đều ghé vai vào mọi công việc. Tất cả cho tuyến trước.Mặc dù Trung đoàn 102 cố gắng hết sức suốt hai ngày đêm, tình hình vẫn không thay đổi. Quân Pháp vẫn chiếm hai phần ba cứ điểm A1, ta chỉ còn ở mỏm thia lia. Cho đến lúc được lệnh Bộ Chỉ huy mặt trận bàn giao nhiệm vụ lại cho Đại đoàn 316, Trung đoàn 102 chỉ còn lưa thưa vài đại đội không nguyên vẹn.Đến thời điểm này, cuộc tiến công quy mô lớn của bộ đội ta vào các ngọn đồi khu Đông của tập đoàn cứ điểm, tuy giành được một số thắng lợi, nhưng các mục đích đề ra chưa hoàn thành. Địch bị tiêu diệt nhiều tên. Số tổn thất của quân ta cũng khá lớn. Riêng Trung đoàn 102, số thương vong là 840 trong quân số hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ toàn Trung đoàn. Hầu hết chiến sỹ được rèn luyện, bồi dưỡng từ bao năm trước, có chất lượng chiến đấu tốt đều bị thương. Một số không ít đã vĩnh viễn ra đi. Trong khi đó, nhiệm vụ trước mắt của Chiến dịch còn hết sức nặng nề. Chiếc xe tăng của quân Pháp bị quân ta bắn cháy trên đồi A1. Ngày nay, chiếc xe này vẫn còn và trở thành một chứng tích chiến tranh trên đồi A1 (Ảnh: Trần Quỳnh)
Cuộc chiến trên đồi A1 vẫn tiếp tục giằng co, dai dẳng. Có những lần, các chiến sĩ thu được những bao tải nặng chịch, nghĩ bên trong chỉ chứa toàn cát. Chúng cũng được việc cho ta. Một lần, anh em định đưa một bao tải ra làm công sự, nhưng khi chọc lưỡi lê vào bao thì thấy bên trong toàn đường trắng, một thứ của quý đối với bộ đội ở mặt trận. Có cả những thứ hàng mà không ai nghĩ tới. Một chiếc dù mang toàn những cây nước đá. Giữa ngày hè nóng bỏng tại trận địa, các chiến sĩ được uống nước đá pha với cà phê, bột chanh, bột cam, chiến lợi phẩm. Nhưng đây là thứ hàng không thể "bỏ kho" lâu ngày. Bộ đội ta đập đá ra chia nhau rửa mặt mũi, chân tay, thậm chí tắm. Có chiếc dù mang theo toàn rau tươi: sà lách, hành tây, tỏi tây…, và cả húng láng. Những người từ Hà Nội ra đi lại có dịp nhớ tới những vườn rau ngoại thành.Những trận đánh trên đồi A1 giữa ta và địch hoàn toàn không có vật cản. Chỉ cần vài chục giây là quân Pháp có thể nhảy vào chiến hào. Sự canh phòng được tổ chức hết sức cẩn mật. Phải tổ chức hỏa lực tầm gần, tầm xa đan chéo nhau. Người trực các khẩu đội phải có tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất cao. Thông tin giữa những đài quan sát và các trận địa hỏa lực lúc nào cũng thông suốt. Trong ba lần quân Pháp tiến công sang, hai lần bại vì hỏa lực của ta bắn chặn kịp thời kết hợp với mưa lựu đạn của các chiến sỹ phòng thủ. Một lần, quân Pháp bất thần lọt được vào chiến hào của ta nhưng sau đó vẫn bị đánh lui. Mỗi ngày, các chiến sỹ bắn tỉa lại hạ thêm một vài tên địch. Quân Pháp biết lực lượng ta trên đồi không đông, nhưng trước sự phòng ngự chặt chẽ của ta, chúng chỉ còn mở những trận đánh thăm dò, không mong đẩy ta ra khỏi đồi. Ta thử đánh lấn để mở rộng phạm vi kiểm soát, nhưng thấy địch kiên quyết chống cự nên cũng dừng lại. Bảo vệ vững chắc trận địa của ta trên đồi A1, lúc này chính là chuẩn bị tích cực để tiêu diệt nó.Cuối tháng tư, quân ta bắn rơi một chiếc máy bay của quân Pháp. Khi máy bay rơi, bên trong vẫn còn nguyên trái bom một tấn còn chưa kịp thả. Công binh đã tháo ngòi quả bom, lấy thuốc nổ. Ta bắt đầu triển khai việc đào một đường hầm để đưa thuốc nổ vào đặt dưới chân hầm ngầm của địch trên đồi A1. Khối thuốc nổ nặng một tấn được đưa vào hầm chính là toàn bộ thuốc nổ được lấy từ quả bom mà ta đã thu được.Trong đợt tiến công lần thứ ba của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 1 - 7/5/1954), thì ngày 6/5 có ý nghĩa quyết định. Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh tiến công chung cho những trận đánh trong ngày này.20 giờ, hỏa lực của ta tập trung bắn vào A1, C2, cứ điểm 506, Bắc Mường Thanh, cứ điểm 310, Tây Mường Thanh. Lần này có thêm sự phối hợp của 12 dàn hỏa tiễn. Mặc dù độ tản xạ còn cao, những đuôi lửa, tiếng rít và tiếng nổ dữ dội của loại vũ khí mới này đã làm cho quân đồn trú sống trong những công sự đắp đất đỏ bị mưa làm suy yếu, hoảng sợ.Quân Pháp cũng đã có chuẩn bị. Khi pháo ta vừa ngừng bắn, tất cả những khẩu pháo còn lại của tập đoàn cứ điểm tập trung trút đạn xuống những trận địa chiến hào của ta xung quanh A1 và C2. Toàn cảnh đồi A1 nhìn từ trên cao
Tiếng bộc phá trên đồi A1 báo hiệu ngày tàn của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên PhủTrước giờ G năm phút, các chiến sỹ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về A1 nhắm mắt, há mồm đề phòng sóng xung động và ánh chớp của ngàn cân bộc phá. Đúng 20 giờ 30, một tiếng nổ trầm, không phải như chúng ta chờ đợi. Quay đầu nhìn lại trên đồi A1 có một đám khói lớn đang phất lên. Một số người phân vân: Có phải đây là bom nổ chậm địch thả lúc chiều? Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An quay điện thoại liên lạc với công binh để kiểm tra lần cuối. Điện thoại lại bị đứt. Nhưng cơ quan tham mưu Chiến dịch đã rút kinh nghiệm phổ biến giờ G cho các đơn vị. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An lập tức ra lệnh cho pháo của Trung đoàn nổ súng. Lần này, pháo của Trung đoàn chỉ bắn chế áp mạnh trong vòng 15 phút, rồi bộ binh xung phong.Ở phía Đông Nam, hướng tiến công chủ yếu, Tiểu đoàn 249, do Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe chỉ huy chia thành hai cánh tiến lên đồi hình thành thế bao vây quân địch. Phía Tây Nam, Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi đưa Tiểu đoàn 251 tiến theo giao thông hào mới đào trên mặt ruộng ven đường 41, thọc một mũi dùi cắt rời A1 khỏi Mường Thanh.Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên, và cuốn theo phần lớn Đại đội dù 2 của quân Pháp đóng ở đây. Khối bộc phá một ngàn cân cũng đã tiêu diệt một phần tuyến ngang gây khó khăn cho các đơn vị đánh A1 trong đợt trước, nay đã tạo nên một cửa mở quan trọng giúp cho hai đại đội của Tiểu đoàn 249 xung phong thuận lợi. Nhưng càng lên gần đỉnh đồi thì những đất đá từ hố sâu bốc lên đã làm quả đồi biến dạng và trở nên rất khó đi. Lợi dụng lúc đó, những tên lính dù còn sống sót của Đại đội 2 của quân Pháp liên tiếp trút đạn liên thanh về phía ta. Đại đội 316 đánh vào trận địa súng cối. Đại đội 317 đánh vào khu thông tin gần hầm ngầm. Đại đội 3 của quân Pháp đóng trên đỉnh đồi và từ phía hầm ngầm tiến ra phản kích. Cuộc chiến bằng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê lại diễn ra trên từng thước chiến hào, từng ụ súng.Phía Tây Nam của đồi A1, các chiến sĩ bộc phá Tiểu đoàn 251 nhiều lần tiến lên mở đường về phía lô cốt “Cây đa cụt" đều bị thương vong. Pugiê, viên Chỉ huy Đại đội số 3 của quân Pháp biết nếu để mất lô cốt này thì cứ điểm hoàn toàn cô lập, sớm muộn cũng bị tiêu diệt. Tiểu đoàn 251 quyết định đưa ĐKZ lên bắn sập chiếc lô cốt. Khẩu đại liên bên trong đó hoàn toàn im lặng, nhưng khi bộ đội lên phá tiếp hàng rào lại bị hỏa lực không biết từ đâu chặn lại. Tiểu đội trưởng Phấn cùng Đại đội phó bí mật bò lên quan sát, phát hiện được một ụ súng ngầm được ngụy trang kỹ, ở ngay gần lô cốt. Tiểu đội trưởng Phấn đề nghị cho mình được tiêu diệt ụ súng để trả thù cho các bạn đồng đội đã hy sinh, nếu cần sẽ ôm bộc phá lao vào ụ súng để mở đường cho đơn vị. Đại đội tổ chức hoả lực yểm hộ cho Phấn hoàn thành nhiệm vụ an toàn. Tiểu đoàn 251 đã cắt đứt con đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh lên.Trên đỉnh đồi, những tên lính dù dựa vào những chiến hào và công sự đã được củng cố trong thời gian qua ra sức chống đỡ chờ quân viện. Miệng hố trên đồi A1 do quả bộc phá tạo ra ngày nay đã được Bảo tàng tỉnh Điện Biên tôn tạo lại (Ảnh: Trần Quỳnh)
Quá nửa đêm, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An quyết định đưa đại đội dự bị của Tiểu đoàn 249 vào giải quyết trận đánh. Bộ đội ta chia thành từng tổ nhỏ tiêu diệt dần dần từng ụ đề kháng của địch.
Sau khi tiêu diệt được vị trí "Cây đa cụt", Tiểu đoàn trưởng 251 Dũng Chi quyết định đưa một lực lượng xuống uy hiếp A3, đồng thời tổ chức một mũi đánh lên đỉnh đồi dồn quân địch ở A1 vào thế giữa hai gọng kìm.
Trong đêm, cũng ở phía Đông, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 đã tiêu diệt 506 (Eliane 10) cứ điểm rất quan trọng nằm bên đường 41 chạy tới Sở chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri. Ở phía Tây, Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 chiếm xong cứ điểm 311 (Hugaette F), đưa trận địa tiến công của Đại đoàn vào chỉ còn cách Sở Chỉ huy Đờ Cát-xtơ-ri 300 mét.
Sáng ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ./.