Bảo đảm quốc phòng, an ninh - nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng

Chủ nhật - 31/03/2024 11:44
Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng. Đây là nội dung quan trọng trong các quan điểm chỉ đạo cơ bản về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo của Đảng; cần được toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng vũ trang quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và là quan điểm nhất quán của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các kỳ đại hội. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”. Đây là sự kế thừa kinh nghiệm, truyền thống hàng nghìn năm “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc, cũng như sự vận dụng, phát triển phù hợp của Đảng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; trong đó, khẳng định bảo đảm quốc phòng, an ninh là quan điểm, tư tưởng xuyên suốt và cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm trong suốt quá trình cách mạng, mọi giai đoạn lịch sử của đất nước và dân tộc. Đồng thời, nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa tăng cường quốc phòng, quân sự với bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh tiếp tục được Đảng ta khẳng định nhất quán, xuyên suốt, nhưng có sự bổ sung rõ hơn, toàn diện hơn cả về nội hàm và phạm vi bảo vệ. Điểm nhấn ở đây được văn kiện lần này chỉ rõ: Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc không đơn thuần là để ứng phó với chiến tranh; mà vấn đề quan trọng và thiết yếu hơn là, tạo ra sức mạnh để giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là sự vận dụng nhuần nhuyễn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Bảo vệ phải gắn với xây dựng, xây dựng phải đi đôi với bảo vệ. Mục tiêu của bảo vệ là để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước; và, xây dựng, phát triển đất nước sẽ tác động trở lại tạo cơ sở, tiền đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc. 
 
Lễ thượng cờ tàu ngầm số hiệu 187 (Bà Rịa - Vũng Tàu) của Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”.

Sự nghiệp Đổi mới đất nước qua 40 năm “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, tuy nhiên, “đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thử thách và hạn chế”. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cùng với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần phát huy giá trị luận điểm “Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội” trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần hiện thực hóa mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay thông qua thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản, trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang. Quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, nền an ninh Nhân dân. Toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và Nhân dân cần “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”. Quan điểm, chủ trương, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh của Đảng phải được thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả thông qua hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hai là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh Nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân. Đảng ta xác định phải “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Hiện nay, để tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh cần đặc biệt coi trọng kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại. Quán triệt đường lối của Đảng và thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân; gắn liền với việc xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân’’, củng cố lực lượng dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên ở cơ sở.

Ba là, tiếp tục xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Quyết tâm thực hiện “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Đặc biệt coi trọng xây dựng Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân vững mạnh về chính trị, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính Nhân dân, tính dân tộc; xây dựng cấp uỷ, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Bốn là, nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống chiến lược về quốc phòng, an ninh. Tích cực, chủ động nghiên cứu những diễn biến mới của tình hình thế giới, khu vực, trong nước; dự báo chính xác các tình huống chiến lược về quốc phòng, an ninh phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Quản lý tốt tình hình, không để căng thẳng, tranh chấp, xung đột leo thang là vấn đề thường xuyên đặt ra hiện nay. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chiến lược và các hoạt động đấu tranh tại thực địa trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo; chủ động phòng ngừa, giải quyết các điểm nóng nhằm ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thực hiện mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc của toàn dân tộc ta; tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh càng trở nên quan trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng tăng cường sức mạnh chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tác giả: Minh Ngọc

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dang cs
quoc hoi
chinh phu
bp
hndn
cb
TUYEN GIAO
BAO BP

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2075 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2450 | lượt tải:599

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20619 | lượt tải:4464

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21223 | lượt tải:97579

số 16 /TB-QHTASXH

số 16 /TB-QHTASXH

Thời gian đăng: 10/05/2021

lượt xem: 19798 | lượt tải:381
Thống kê
  • Đang truy cập268
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm243
  • Hôm nay58,344
  • Tháng hiện tại262,006
  • Tổng lượt truy cập26,440,393
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây