Hiện trên địa bàn tỉnh có 34 di tích đã được xếp hạng, trong đó 4 di tích quốc gia đặc biệt, 10 di tích quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh và hàng trăm di tích được lập hồ sơ khoa học, nhiều danh lam thắng cảnh, di chỉ khảo cổ độc đáo, văn hóa phi vật thể đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số… Các di tích đã trở thành điểm đến quen thuộc cho các hoạt động tham quan về nguồn, là nơi lý tưởng cho du khách trong và ngoài tỉnh khi đến tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp của quê hương Bình Phước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích cần sớm khắc phục.
Ban tổ chức tọa đàm đã nhận được 16 tham luận có giá trị, phong phú về nội dung. Tại buổi tọa đàm đã có 12 lượt ý kiến phát biểu và tham luận được trình bày. Các ý kiến tham luận đều xoay quanh việc đánh giá khái quát thực trạng, giá trị các di tích; những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, tuyên truyền, quảng bá di tích; những khó khăn; đồng thời hiến kế các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Kết luận buổi tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Tuyết Minh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu, bài tham luận rất xác đáng của các đại biểu và khẳng định: Buổi tọa đàm đã đạt được mục tiêu đề ra. Trong 7 nhóm giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử trong thời gian tới, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trăn trở là làm thế nào để trùng tu, tôn tạo và xã hội hóa công tác đầu tư, khai thác di tích nhưng không làm biến dạng các di tích.
Những ý kiến, kiến nghị và hiến kế các giải pháp tại hội thảo sẽ được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp tham mưu Thường trực Tỉnh ủy trong thời gian tới.