Đoàn kết là nội dung lớn và căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh thời, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh và phấn đấu hết sức mình để tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và nhân dân, đoàn kết quốc tế. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người nêu rõ vai trò lớn lao của đoàn kết trong Đảng đối với thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nêu rõ để tăng cường đoàn kết phải phát huy dân chủ, nghiêm túc tự phê bình và phê bình sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tăng cường trao đổi để đi đến thống nhất nhận thức tư tưởng và nhiệm vụ chính trị. Người nhấn mạnh: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Hồ Chí Minh coi đây là cách tốt nhất, vì chỉ có thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, mọi cán bộ, đảng viên mới thật sự được đóng góp ý kiến, phát huy được trí tuệ tập thể, mọi đảng viên, cán bộ hiểu nhau để có được nhận thức thống nhất. Đó cũng là sự bảo đảm để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, một nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, củng cố sức mạnh tổ chức và bản chất cách mạng của Đảng và phòng ngừa những biểu hiện chia rẽ, bè phái. Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là thực hiện quy luật xây dựng và phát triển của Đảng.Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng, thành công. Xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết, thống nhất là hạt nhân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay trong bản Di chúc, điều quan tâm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng, trước hết là vấn đề đoàn kết trong Đảng. Người khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta”. Truyền thống đó được bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, được Đảng ta kế thừa và phát huy trong giai đoạn lịch sử mới. Thấm nhuần những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nhất là sự đoàn kết, thống nhất trong một đảng cầm quyền, trong hạt nhân lãnh đạo.
"Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn" tại chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, tổ chức tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội, tối ngày 3/9/1960. Ảnh: Tư liệu
Đoàn kết, thống nhất là qui luật tồn tại, trưởng thành và phát triển của Đảng cộng sản. Đảng cộng sản có đoàn kết thành một khối thống nhất mới đủ sức mạnh để đánh đổ các thế lực áp bức bóc lột vốn nắm trong tay sức mạnh vật chất to lớn. Đảng cộng sản có đoàn kết thành một khối thống nhất mới đủ sức lôi cuốn, tập hợp đông đảo quần chúng cần lao vào trận tuyến cách mạng, lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ xã hội mới. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ một Đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Người chỉ rõ: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”. Vì vậy, khi đặt bút viết Di chúc, điều đầu tiên nói về Đảng, Người nhấn mạnh: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Theo Người, sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng phải xây dựng trên cơ sở một mục tiêu, một lý tưởng thống nhất. Người căn dặn các đảng viên cộng sản: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”; “Đối với Đảng, đối với nhân dân, chúng ta có một nghĩa vụ vẻ vang là: suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tụy của nhân dân”. Người nhấn mạnh quan điểm đoàn kết, thống nhất giữa các Đảng viên cộng sản trên cơ sở mục tiêu chung: Vì Đảng, vì nhân dân.
Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (5-9-1960). Ảnh tư liệu
Trong nhiều thời điểm, ở nhiều nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện sự quan tâm, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân về xây dựng khối đoàn kết thống nhất. Trong Lời kêu gọi ở Lễ mừng Quốc khánh 2-9-1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Người nói: “Một chiếc thuyền phải có người chèo, phải có người lái… người chèo và người lái phải đoàn kết với nhau”.
Sự đoàn kết trong Đảng, theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự đoàn kết nhất trí, thống nhất trong toàn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đoàn kết nhất trí trong Đảng Cộng sản phải được xây dựng, bồi đắp trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin. Đoàn kết trong Đảng được dựa trên cơ sở đường lối, chính sách và theo những nguyên tắc tổ chức của Đảng. Muốn có sự đoàn kết, nhất trí vững chắc, trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi; Đảng viên phải nêu cao kỷ luật tự giác, phải thực hiện tự phê bình và phê bình. Trong Di chúc, Người khẳng định: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Trong xây dựng Đảng vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đây là nguyên tắc sống còn trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đồng thời Người căn dặn: Phê bình và tự phê bình cần có lý, có tình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, trên cơ sở cùng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và dân tộc. Theo Người, đoàn kết nhất trí phải xuất phát từ tình thương yêu thiêng liêng nhất, sâu sắc nhất, bền vững nhất giữa những người cộng sản. Người nói: “Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa”.
Vì vậy, để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đảng viên, cán bộ là nhân tố quan trọng gắn liền với vận mệnh của Đảng. Đảng muốn đoàn kết, đủ sức lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi đến bến bờ thắng lợi thì dứt khoát phải có các tổ chức đảng mạnh, phải có các đảng viên ưu tú. Chính vì vậy, trong công tác xây dựng Đảng, để Đảng được đoàn kết vững mạnh, Người thường nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình. Người chỉ rõ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Mỗi đảng viên phải biết đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc và tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Có như vậy, mới giữ được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.Sáng nay (10/8/2023), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã tham dự Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Những tư tưởng cơ bản về vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành quan điểm chỉ đạo, bài học kinh nghiệm quý báu và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Ngày nay, mỗi khi đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vẫn thấy sáng ngời tư tưởng đại đoàn kết của Người. Bởi trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam một cách khách quan, khoa học và cách mạng, vừa phát huy được truyền thống đoàn kết của dân tộc vừa phù hợp tư duy của thời đại. Chính vì lẽ đó mà tư tưởng đoàn kết trong Di chúc của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi tỏa sáng, đồng thời soi đường cho dân tộc ta vững bước trên con đường đến với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước ta hiện nay, việc đổi mới và chỉnh đốn đảng nhất là vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng đang nổi lên là một nhiệm vụ quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Hơn lúc nào hết, việc quán triệt và vận dụng đúng đắn Di chúc của Người về vấn đề đoàn kết trong công tác xây dựng Đảng là việc làm cấp thiết.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sẽ “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”, đồng thời “gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”
Suốt 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng không ngừng trưởng thành, vững mạnh và đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu theo lý tưởng và con đường mà Người đã đề ra. Từ thực tiễn lãnh đạo, Đảng đã tổng kết thành bài học lớn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn gốc sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.
Đặc biệt, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội XIV của Đảng, khi chúng ta đang đứng trước thời điểm phải lựa chọn những người xứng đáng, vừa có tài, vừa có đức để đảm nhận những trọng trách lãnh đạo đất nước, thì hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất. Đây là trách nhiệm lớn, mà trước hết là của tập thể, cá nhân lãnh đạo từ Trung ương đến từng cơ sở. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ trọng trách lãnh đạo từ cấp cao đến cấp cơ sở phải thực sự thực hiện nghiêm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”./.