Hớn Quản là một trong 11 huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh Bình Phước. Toàn huyện có 12 dân tộc thiểu số với 5.035 hộ/21.432 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,16%, trong đó dân tộc S’tiêng chiếm đa số. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống đan xen tại 102 ấp, sóc, khu phố của 13 xã, thị trấn.
Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan ban ngành trong tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Hớn Quản đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tốt các chương trình, chính sách đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đời sống kinh tế - văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc không ngừng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt, góp phần thay đổi diện mạo khu dân cư vùng đồng bào dân tộc. Hệ thống giao thông đường liên xã đã được nhựa hóa 100%; 100% các xã đã có điện lưới quốc gia, các trường học, công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trạm y tế… ngày càng được xây dựng, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị, phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập, đi lại, sinh hoạt, khám chữa bệnh … cho bà con dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, như dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng như do thời tiết thay đổi khắc nghiệt - nắng hạn kéo dài, giá cả nông sản một số sản phẩm chủ lực của huyện giảm sâu, kết cấu cơ sở hạ tầng còn thấp; Phương pháp sản xuất của hộ nghèo dân tộc thiểu số còn hạn chế, mang tính truyền thống, tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; ngoài ra một số người nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn chưa chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, “chờ” để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc triển khai công tác giảm nghèo ở một số xã kết quả chưa cao.Trước những khó khăn trên, trong những năm qua, huyện Hớn Quản luôn quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy ước, hương ước của địa phương; quan tâm đầu tư nhiều chính sách đến với đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, huyện tổ chức đi thăm và chúc mừng các cán bộ hưu trí, già làng, người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán, tổ chức thăm và tặng quà nhân lễ tết của đồng bào, tham dự các lễ của đồng bào DTTS trên địa bàn (như lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng, lễ sen đolta, tết Chôl chnăm thmây). Các phong trào văn hóa, thể dục - thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mạnh, UBND huyện sẽ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2024, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2024. Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc S' tiêng ở huyện Hớn Quản
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch theo từng giai đoạn. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 08 về đẩy mạnh giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, ngoài nguồn trợ giúp của Trung ương, tỉnh, huyện Hớn Quản đã huy động nguồn lực từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để xây dựng nhà ở, hỗ trợ cây - con giống, nông cụ sản xuất. Các chương trình, chính sách dân tộc luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Các chính sách hỗ trợ cho đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Chương trình 135; Quyết định 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn… Với nguồn lực hỗ trợ trên 85 tỷ đồng, đã thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 175 căn nhà cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho 2.365 lượt hộ nghèo; cấp 8.761 lượt thẻ bảo hiểm y tế người nghèo; giải ngân cho 1.840 lượt hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, triển khai 01 mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò sinh sản” hỗ trợ 25 con bò giống cho 12 hộ nghèo...Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt và các công trình phúc lợi công cộng khác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện được quan tâm đầu tư. Sản xuất khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển mới; an sinh xã hội đảm bảo; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chăm lo; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn được giữ vững và phát triển, chất lượng phong trào không ngừng được nâng lên. Phong trào văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao phát triển mạnh góp phần phát huy, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt; ý thức của người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc trong huyện tiếp tục được củng cố, góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Với kết quả trên, đã giảm được 558 hộ nghèo, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện.Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Hớn Quản đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị; các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn được tổ chức thực hiện có hiệu quả, giúp cho các đối tượng thụ hưởng có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Trong giai đoạn 2021-2023, toàn huyện đã giúp đỡ được 369 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo; hỗ trợ xây mới, và sửa chữa 149 căn nhà cho các hộ gia đình khó khăn, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ 800 triệu đồng. Với sự chung tay góp sức của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hớn Quản đã đạt những kết quả tích cực. Đến nay, Hớn Quản có 11/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình nông thôn mới của huyện hơn 1.300 tỷ đồng.Công tác giảm nghèo bền vững và thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn huyện đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, sự chia sẻ và ủng hộ tích cực của cộng đồng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và trên hết là ý thức tự vươn lên của chính bản thân người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Huyện đã hỗ trợ 167 cặp trâu bò giống với số tiền hơn 5 tỷ 500 triệu đồng, hỗ trợ 45 xe máy với kinh phí 900 triệu đồng làm phương tiện di chuyển cho các hộ khó khăn, giúp đỡ 35 hộ khó khăn được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư ở các vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số, đã góp phần làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn trong các ấp, sóc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện, từng bước ổn định không còn hộ du canh, du cư, đồng bào đã tập trung định canh định cư, phát triển sản xuất bên cạnh đó nhiều mô hình sản xuất giỏi, nhiều hộ đã thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.Phát huy những kết quả đã đạt được, để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, huyện Hớn Quản sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội về công tác dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng cán bộ vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường các nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa; nhân rộng những mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả, thiết thực giúp đồng bào nâng cao thu nhập, phát triển đời sống văn hóa xã hội. Từ đó, tăng cường niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.