Để thực hiện, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 17/10/2022 về định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực giai đoạn 2021 – 2025 và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến hoạt động lĩnh vực khoa học, công nghệ. Từ năm 2020 đến nay, Sở KH&CN tham mưu triển khai thực hiện 76 nhiệm vụ KH&CN các cấp (trong đó có 03 dự án KH&CN cấp Bộ, 48 nhiệm vụ cấp tỉnh và 25 nhiệm vụ cấp cơ sở). Các nhiệm vụ KH&CN triển khai đã ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống, đã góp phần quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh. Nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030” để triển khai trên địa bàn tỉnh với các nội dung trọng tâm đó là: Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, đặc biệt tập trung đầu tư, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT, hạ tầng số; Xây dựng và vận hành Sàn giao dịch thiết bị và công nghệ của tỉnh, kết nối với sàn giao dịch công nghệ TP. Hồ Chí Minh, tổ chức và tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối cung – cầu công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN.Việc triển khai Kết luận số 370-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực giai đoạn 2021 – 2025 đạt nhiều kết quả trên các mặt, như: nghiên cứu, tiếp nhận và ứng dụng thành công ít nhất 03 hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, triển khai 02 đề tài khoa học cấp tỉnh và 01 dự án KH&CN. Dự án đã ứng dụng công nghệ IoT cho hệ thống tưới tự động, hồ sơ hóa nhật ký canh tác điện tử và truy xuất nguồn gốc cho mô hình vườn hồ tiêu an toàn bền vững, phần mềm quản lý trang trại và truy xuất nguồn gốc nông sản; ứng dụng CNTT, công nghệ tự động hóa để xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực trồng trọt. Kết quả đã nghiên cứu, ứng dụng 03 phần mềm, đạt chỉ tiêu đề ra. Triển khai 03 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, tham mưu UBND trình Bộ KH&CN triển khai 02 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, nhằm nghiên cứu và ứng dụng hệ thống cơ giới, tự động hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, cảnh báo thiên tai và bảo vệ tài nguyên và môi trường; triển khai 04 đề tài khoa học cấp tỉnh, 03 nhiệm vụ cấp cơ sở nhằm nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm sinh học, các sản phẩm vật liệu nano và quy trình kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu đen (Piper nigrum L.) tại tỉnh Bình Phước” đã nghiệm thu năm 2023. Đề tài nghiên cứu thành công 02 chế phẩm sinh học VL1 và VL2 phòng trị bệnh chết nhanh, chết chậm hồ tiêu, 03 quy trình công nghệ. Các chế phẩm sinh học và quy trình công nghệ đã được ứng dụng vào sản xuất hồ tiêu, phòng trị bệnh chết nhanh, chết chậm hiệu quả.Đến năm 2025, 100% cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử và có 20 cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh và 11 cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; một số đơn vị đã kết hợp giữa việc áp dụng ISO với ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nên việc cập nhật thông tin và theo dõi được quá trình giải quyết công việc, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động quản lý, phục vụ tốt cho nhiệm vụ cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị. Cùng với chuỗi sự kiện chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 2023, UBND tỉnh Bình Phước cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao giá trị ngành điều tỉnh Bình Phước" diễn ra sáng 7-7 -2023
Giai đoạn 2020-2024, thực hiện 48 đề tài khoa học cấp tỉnh, 32 đề tài được nghiệm thu, trong đó có 18 đề tài được chuyển giao và đưa vào ứng dụng, đạt 56,25%. Đến nay, 9/9 nhiệm vụ được giao đều đã được Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện, 4/5 mục tiêu lớn đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ tiến độ triển khai còn chậm như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhiệm vụ truy xuất nguồn gốc về các sản phẩm, hàng hóa nông lâm sản trên địa bàn tỉnh thực hiện; nhiệm vụ xây dựng, áp dụng ISO điện tử cho các cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện và xã còn khó khăn; việc hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 30/9/2021, Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 30/9/2021 của HĐND tỉnh hiệu quả chưa cao.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Chương trình hành động số 17-CTr/TU về lĩnh vực khoa học, công nghệ, thì cần phải tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp đó là:
Thứ nhất, triển khai đồng bộ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học y - dược, khoa học tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trong đó ưu tiên các lĩnh vực CNSH, công nghệ vật liệu mới, cơ khí - tự động hóa, CNTT.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng và triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử. Ứng dụng công nghệ GIS để quản lý tài nguyên, môi trường, cảnh báo thiên tai, kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Xây dựng và áp dụng hệ thống ISO điện tử, quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc về các sản phầm hàng hóa, nông lâm sản trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) trong quản lý, phát triển đô thị thông minh, bệnh viện thông minh, trường học thông minh.
Tập trung nghiên cứu, ứng dụng CNSH cải tiến tình trạng quý trên các loại cây trồng nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh. Ứng dụng mạnh mẽ các chế phẩm sinh học để phòng chống sâu, bệnh hại cây trồng, bảo quản, chế biến nông lâm sản, xử lý ô nhiễm môi trường, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong y – dược, chăm sóc sức khỏe, bảo quản thực phẩm... Nghiên cứu, ứng dụng CNSH tạo các chế phẩm sinh học để kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng. Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp sinh học nhằm nâng cao khả năng sinh sản và bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng vật liệu nano, vật liệu polyme - compozit đặc biệt phục vụ cho một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường, vật liệu nhẹ dùng trong xây dựng. Ứng dụng các công nghệ vật liệu mới trong sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản…; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các phần mềm và nội dung số đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm phần mềm; xây dựng, quản ký, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm đặc trưng, đặc sản địa phương và có thị trường tiêu thụ lớn.
Xây dựng các mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp cơ giới hóa trong sản xuất nông lâm nghiệp và chế biến sản phẩm nông lâm sản. Nghiên cứu phát triển và tích hợp công nghệ tự động hóa, công nghệ số và các công nghệ tiên tiến để phát triển các mô hình sản xuất, quản trị doanh nghiệp thông minh, hiện đại.
Thứ hai, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực có đủ trình độ tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 trên địa bàn tỉnh; lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, các nguồn vốn khác nhau của Trung ương và địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư đối ứng để triển khai các nhiệm vụ đạt hiệu quả.
Thứ ba, tăng cường hợp tác, liên kết, phối hợp với các Viện nghiên cứu, Trường đại học, các Tập đoàn công nghệ có uy tín, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp chủ động hợp tác và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các quốc gia khác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; trao đổi, đào tạo nguồn nhân lực KHCN và nhất là kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài để triển khai, thực hiện các dự án KHCN trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn.
Thứ tư, gắn kết chặt chẽ hoạt động KHCN với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các cá nhân, tổ chức; khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KHCN, nhất là các lĩnh vực CNSH, công nghệ vật liệu mới, cơ khí - tự động hóa, CNTT vào sản xuất và đời sống; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm, hàng hóa.
Thứ năm, quan tâm đến đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu, ứng dụng và cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi về công tác tại tỉnh và đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực trên địa bàn tinh./.