Đưa ra số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97,9% tổng số doanh nghiệp cả nước, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cho rằng việc đưa ra các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cấp thiết vì đối tượng doanh nghiệp này có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cho rằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải cụ thể
Tuy nhiên, quy định hỗ trợ trong luật còn chung chung, tính khả thi không cao, dễ xung đột với các luật trước đây, hoặc chồng luật; đối tượng hỗ trợ rộng trong khi nguồn lực của nhà nước còn hạn chế. Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Lợi đề nghị xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ theo từng nhóm gồm: hạ tầng, vốn, nguồn nhân lực, công nghệ và thị trường.
Đại biểu Nguyễn Văn Lợi cho rằng: Vấn đề mấu chốt hiện nay là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được vốn ưu đãi, chủ yếu là doanh nghiệp “tự bơi” để thoát khủng hoảng. Nguyên nhân là do chính sách nhà nước đưa ra thường chung chung, không có cơ chế ràng buộc và bắt buộc đối với ngân hàng thương mại. Việc quy định Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất là khó khả thi vì nguồn lực của chúng ta hiện nay có hạn.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Lợi, đặc trưng của doanh nghiệp nhỏ và vừa là phân tán, rải rác trong dân, tận dụng nguồn lao động tại chỗ, tận dụng nhà ở làm trụ sở... Do vậy, việc xây dựng cụm công nghiệp nhỏ ở địa phương để hỗ trợ mặt bằng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề cấp thiết hiện nay. Vấn đề là nhà nước phải có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư làm hạ tầng, từ đó cho ra một sản phẩm giá thành rẻ hơn so với khu công nghiệp để doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, khởi nghiệp thuê ở đây. Làm như vậy, nhà nước vừa giúp cụ thể doanh nghiệp vừa thuận lợi trong quản lý sản xuất - kinh doanh và môi trường.
ĐỀ XUẤT CHUYỂN ĐỔI TRỌNG SỐ CỦA DỰ LUẬT
Đưa ra thực tế là thời gian qua các dòng vốn chủ yếu chảy vào bất động sản, chứng khoán, trong khi đó ngành nghề sản xuất tiêu dùng tiếp cận các nguồn vốn hết sức khó khăn, đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng: “Việc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ nếu không khéo sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Do vậy, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ theo từng thời điểm, từng giai đoạn phát triển của đất nước hơn là việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp để hỗ trợ”. Đại biểu Huỳnh Thành Chung đề xuất chuyển đổi trọng số của dự luật, từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thành Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cho ý kiến về Luật Quy hoạch, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đề nghị quy hoạch phải phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực trạng quy hoạch hiện nay vừa mất công sức vừa lãng phí và quá chung chung, không phát huy được lợi thế của từng vùng miền. Quy hoạch phải mở, đa mục tiêu và lợi thế so sánh, bởi nếu quy hoạch cứng thì sẽ dẫn đến quy hoạch treo và tự phá vỡ quy hoạch khi không còn phù hợp.
Dự thảo Luật Quy hoạch được xây dựng với 6 chương , 68 điều. Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch, đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bố nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn