Hội nghị đã diễn ra 4 phiên với các chủ đề: “Bình Phước - Thủ phủ của cây điều Việt Nam, chất lượng hạt điều tỉnh Bình Phước”, “Chính sách hỗ trợ ngành chế biến điều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Bình Phước”, “Giá trị cốt lõi của hạt điều Bình Phước” và “Gặp gỡ song phương”. Song song đó là triển lãm, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của ngành điều Bình Phước trong khuôn viên hội nghị.
Các đồng chí: Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có nhiều đóng góp cho ngành điều Bình Phước Trước đó, trong hai ngày 14, 15-5, ban tổ chức đã tổ chức cho đại biểu tham quan các trang trại trồng điều, hợp tác xã (HTX) và các doanh nghiệp chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Bình Phước đạt 500 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (khoảng 1,6 tỷ USD). Hoạt động chế biến với hơn 200 doanh nghiệp và trên 400 cơ sở, trong đó có 31 doanh nghiệp lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho 50.000 lao động. Công nghiệp chế biến điều đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội nghị đã nghe các chuyên gia nghiên cứu về ngành điều trong nước phân tích điểm mạnh và cơ hội của ngành điều Bình Phước. Đó là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây điều; có diện tích cho thu hoạch - sản lượng và năng suất điều lớn nhất cả nước; sự quan tâm của lãnh đạo và chính quyền địa phương; có lực lượng người trồng điều lớn nhất và có trình độ canh tác cao hơn so với các tỉnh khác; có lực lượng doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước...
Theo quy hoạch, tổng diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020 là 200.000 ha, trong đó diện tích trên đất sản xuất nông nghiệp là 156.700 ha và diện tích trên đất rừng sản xuất 43.800 ha. Đối với diện tích điều trên đất nông nghiệp có năng suất trung bình 2 tấn/ha, sản lượng đạt trên 280.000 tấn; đối với năng suất điều trên đất rừng sản xuất đạt 1,8 tấn/ha, sản lượng đạt 77.940 tấn. Ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm đến quản lý chất lượng giống cây, triển khai các quy trình thâm canh, cải tạo vườn điều mà điển hình là thực hiện đề án cải tạo vườn điều để hình thành vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn huyện Bù Gia Mập làm cơ sở triển khai nhân rộng toàn tỉnh. Liên minh HTX tỉnh đóng vai trò liên kết sản xuất, phát triển mô hình HTX kiểu mới theo phương thức “3 đồng” và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển HTX, kinh tế hợp tác, liên kết; tạo dựng sản phẩm mang thương hiệu địa phương và hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm kêu gọi và mong muốn được hợp tác với các tỉnh, thành, với bạn bè quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến điều nói riêng. Chủ tịch UBND tỉnh cam kết khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư và hợp tác kinh doanh tại tỉnh. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị, quản lý chất lượng sản phẩm; liên kết với nông dân xây dựng vườn điều lớn; hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm bày tỏ hy vọng sau hội nghị này, giá trị của hạt điều Bình Phước sẽ được biết đến rộng rãi hơn, thương hiệu điều Bình Phước sẽ từng bước được khẳng định; chuỗi giá trị hạt điều sẽ được quan tâm chia sẻ giữa người trồng, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu; qua trao đổi thảo luận sẽ có nhiều hợp đồng kinh tế được ký kết, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy ở Bình Phước những cơ hội đầu tư mới.
Hội nghị cũng đã chứng kiến các tập thể, cá nhân nhận khen thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh, Hiệp hội Điều Việt Nam vì đã có đóng góp vào sự phát triển của ngành điều trong tỉnh.