Nêu ra thực tế là trong thời gian qua có nhiều ý kiến đề xuất điều chỉnh tăng thu nhiều loại thuế, tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng, dư địa thu ngân sách nhà nước còn lớn, nếu quản lý tốt, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước thì không cần phải tăng thuế. Đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bộ đã và sẽ làm gì để phát huy dư địa thu ngân sách nhà nước?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định ý kiến của đại biểu Phan Viết Lượng rất đúng. Trong quản lý thuế phải mở rộng đối tượng, cố gắng giảm huy động từ doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ vốn, tích tụ làm ăn; tăng cường kiểm soát thuế, chống buôn lậu, chuyển giá, nợ đọng và gian lận thuế. Đây chính là dư địa và trong thời gian qua chúng ta đang triển khai việc này.
Theo đại biểu Phan Viết Lượng, những năm qua, việc huy động các nguồn lực, trong đó có vốn vay nước ngoài đạt nhiều kết quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực còn nhiều khó khăn do việc tiếp cận vốn vay nước ngoài ưu đãi thấp hơn trước, áp lực về nợ công tăng cao, hụt thu ngân sách trung ương xảy ra trong những năm gần đây chưa được khắc phục...
Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ có định hướng gì về huy động nguồn lực, nhất là vốn vay trong thời gian tới? Có định hướng chuyển dần sang huy động vay trong nước hay không? Tương quan mức lãi suất huy động giữa 2 nguồn vay trong nước và ngoài nước như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, nước ta đã cơ cấu lại nợ công, tăng vay trong nước và giảm vay nước ngoài. Năm 2011 vay nước ngoài 60%, vay trong nước 40%. Đến thời điểm hiện nay vay trong nước là 60% và vay nước ngoài trên 39%. Vay trong nước kỳ hạn như vậy là tăng lên gấp hơn 2 lần, lãi suất giảm một nửa... Đây là điều rất quan trọng, góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, cũng như giải quyết được đỉnh nợ công vượt qua giai đoạn 2016, 2017. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tính, lo chuẩn bị cho đỉnh nợ công vào 2019, 2020.