Về chính sách về đất đai, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị phải xác định đất, mặt nước, mặt biển là nguồn lực, là ưu thế tuyệt đối của ngân sách nhà nước và đây cũng là năng lượng, là nguồn lực của đầu tư. Mặt khác, để tạo ra sự minh bạch, công bằng trong việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đặc biệt ở các đặc khu thì không nên miễn, giảm trực tiếp trên đất, mặt nước, mặt biển mà nên để thị trường quyết định thông qua đấu giá quyền sử dụng và khai thác tài nguyên này. Sau đó sẽ giảm trừ tiền thuê đất hàng năm cho dự án theo nguyên tắc thu nhập hoặc thặng dư được tính toán dựa trên báo cáo khả thi của dự án và cam kết của chủ đầu tư.
Về tổ chức chính quyền đặc khu, đại biểu Huỳnh Thành Chung đưa ra câu chuyện ở những trước đây Việt Nam đã có đặc khu Hồng Gai và đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo với mô hình ở thời điểm đó không khác mấy so với chính quyền các tỉnh, thành và sau hơn 10 năm đã phải giải thể. Với mô hình đặc khu ngày nay, chúng ta mong muốn kiến tạo một mô hình quản lý tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, năng động và chịu trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Xuất phát từ thực tiễn, đại biểu Huỳnh Thành Chung kiến nghị Quốc hội chọn phương án 1 với thiết chế Trưởng khu như luật đã trình bày.
Để tránh lạm quyền, đại biểu Huỳnh Thành Chung kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một cơ chế giám sát thường trực phù hợp với mô hình thiết chế mới này. Theo đó, đoàn đại biểu Quốc hội địa phương có đặc khu sẽ là cơ quan giám sát định kỳ.
Theo tờ trình của Chính phủ, phạm vi điều chỉnh của dự án luật nằm ở 3 đặc khu là: Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.