Trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là một động lực quan trọng của nền kinh tế, là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của cả nước. Vai trò đó tiếp tục được khẳng định và chứng minh qua thực tiễn 06 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy Bình Phước đã tổ chức quán triệt, triển khai trong toàn Đảng bộ, ban hành Kế hoạch số 88-KH/TU ngày 13/11/2017 triển khai thực hiện.Sau hơn 06 năm triển khai thực hiện, khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng, quy mô, chất lượng và tăng tỉ trọng đóng góp trong GRDP của tỉnh. Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 11.682 doanh nghiệp (mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2025 có 9.000 doanh nghiệp), với số vốn đăng ký gần 198.900 tỷ đồng. Tăng dần tỷ lệ đóng góp vào GRDP hàng năm: năm 2020 đạt 75,02%, năm 2022 đạt 77,09%, tạo đà tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và năm 2030 đạt khoảng 85%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 7%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (khoảng 4-5%); giai đoạn 2021-2023 là 6,9%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (khoảng 5-7%). Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 10-NQ/TW đề ra:Công tác tuyên truyền, phổ biến các các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân được triển khai đồng bộ, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng (tổ chức hội nghị, tuyên truyền miệng, chuyên mục, chuyên đề phát thanh, truyền hình, báo, hệ thông tin đại chúng…) để thống nhất nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện, nhất là trong tiếp cận nguồn lực, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Cung cấp gần 4.690 cuốn tài liệu các loại; Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước xây dựng, phát sóng chuyên trang về kinh tế (phát hành 05 số/tuần), Bản tin thị trường, Thông tin kinh tế giá cả…Về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thúc đẩy nền kinh tế phát triển
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 19 –CT/TU về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chỉ thị 16-CT/TU về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; UBND tỉnh tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hàng năm tổ chức Hội nghị đánh giá các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh như PCI, Par Index, PAPI… để có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Duy trì hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để có hướng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được thường xuyên rà soát, cập nhật để ban hành, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, như: Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh Bình Phước (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND); Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Nghị quyết số 37/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Quyết định số 596/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ trên địa bàn tỉnh… Các công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, nhà ở xã hội… được quy hoạch và đưa vào chương trình xúc tiến đầu tư để mời gọi, thu hút đầu tư. Tỉnh cũng tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực cho khu vực tư nhân thông qua việc thực hiện các chỉ đạo, chính sách của Trung ương về huy động vốn, cho vay phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Giai đoạn 2017- 2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh khu vực nông nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 18,7%/năm, dư nợ tín dụng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng bình quan 9,66%/năm, dư nợ tín dụng cho vay xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực (điều, cao su, cà phê) tăng trưởng 26,12%/năm, dư nợ tín dụng cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách tăng trưởng 11,31%/năm. Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, khu công nghiệp Minh Hưng (Ảnh Báo Bình Phước online)
Về hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động
Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động sức cạnh tranh của nền kinh tế; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn nhằm tạo môi trường, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ việc xác lập, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các kỳ Hội chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), kết nối cung cầu công nghệ, Techfest… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, thiết bị mới. Giai đoạn 2017 - 2023, tỉnh hỗ trợ 07 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ; thực hiện 41 đề tài khoa học cấp tỉnh (có 24 đề tài được nghiệm thu), 25 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở, 03 nhiệm vụ thuộc Chương trình biên giới. Thông qua việc thực hiện các chương trình, đề án về giải quyết việc làm, đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động của địa phương được nâng lên, đến cuối năm 2023 tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt khoảng 65%.Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân
Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đi đôi với cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, công khai minh bạch các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Việc xây dựng Chính quyền số được triển khai quyết liệt theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, gắn với Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh, xác thực điện tử, từng bước hiện đại hóa hoạt động hành chính, ứng dụng ký số, sử dụng văn bản điện tử, họp không giấy, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, Bình Phước có 1.432 thủ tục kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng đầu cả nước và xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; năm 2022, Bình Phước được xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố cả nước về chuyển đổi số.Bên cạnh việc duy trì gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm tình hình kịp thời giải quyết khó khăn vướng, mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân được chú trọng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, công bằng. Lũy kế đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 1.212 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký là 123.323 tỷ đồng; có 410 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 4.244 triệu USD; có 11.682 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 198.900 tỷ đồng. Ngoài ra, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông cũng phát triển khá nhanh, cơ bản cung cấp kịp thời các dịch vụ theo nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.Thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã tiếp tục khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân trong giải quyết việc làm, động viên nguồn vốn, khai thác tài nguyên tạo ra nhiều của cải, hàng hóa phục vụ đời sống và đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng. Tuy nhiên để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thì cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nhất là về đất đai, xây dựng, thuế… đảm bảo đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Các địa phương cần tăng cường các hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.