Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Bình Phước đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chương trình, chính sách linh hoạt cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Qua đó tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng: tăng trưởng kinh tế đạt 8,34%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 10,25%, đóng góp 3,21% vào tăng trưởng GRDP của tỉnh; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng đạt 7,12%, đóng góp 2,26% vào tăng trưởng GRDP của tỉnh; Khu vực thương mại dịch vụ tăng trưởng đạt 8,34%, đóng góp 2,75% vào tăng trưởng GRDP của tỉnh; mức sống của người dân tiếp tục được cải thiện, GRDP bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng, tăng 9,53% so với năm 2022.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh được chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp. Qua đó, năm 2023 Bình Phước thu hút đầu tư được 61 dự án (bao gồm cấp mới và điều chỉnh), với tổng số vốn 830 triệu USD và 6.500 tỷ đồng. Trong đó đầu tư trong nước 16 dự án với số vốn tăng thêm 6.500 tỷ đồng; đầu tư FDI có 45 dự án, với số vốn 830 triệu USD, tăng 32,4% về số dự án và gấp 5,3 lần về số vốn so với năm 2022, đạt 277% so với kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 410 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 4.245 triệu USD.
Khu vực Công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò là động lực chính của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng 43,38% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng trưởng 10% so với năm 2022 (ngành khai khoáng tăng 11,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,77%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,76%). Tuy nhiên, đánh giá chung thì tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, số doanh nghiệp thành lập mới chưa đạt kế hoạch đề ra và bằng 87,5% so với năm 2022, nhiều doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động khoảng 560 doanh nghiệp.
Năm 2024 là năm “tăng tốc”, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Bình Phước xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế theo các chủ trương, định hướng thuộc Chương trình hành động số 17-CTr/TU, gắn với chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đi đôi với thực hiện tốt các chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhằm khơi thông các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, nhất là nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững theo mục tiêu Đại hội Đại hội đề ra.