Năm 2024 toàn tỉnh có 5 xã về đích nông thôn mới (NTM) cơ bản và 6 xã NTM nâng cao. Dù nguồn kinh phí được Nhà nước cấp muộn nhưng do được chuẩn bị từ trước nên khi có vốn, các địa phương đã đồng loạt triển khai, gấp rút thi công các công trình, dự án phấn đấu cán đích theo đúng lộ trình đã đề ra.
Đồng loạt thi côngĐến xã Tân Quan, huyện Hớn Quản những ngày này mới thấy được không khí tất bật, gấp rút của công nhân, người lao động tại các công trình. Tại khu vực trước sân, trước trụ sở xã được đơn vị thi công chỉnh trang, cải tạo toàn diện nhằm khoác chiếc áo mới cho khuôn viên. Tại trung tâm văn hoá xã, địa phương đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà đa năng 120m2 để phục vụ các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn. Còn tại chợ Tân Quan, trước đây đã được đầu tư nhà lồng phục vụ các tiểu thương buôn bán nhưng chưa có nhà điều hành, nhà vệ sinh thì nay được đầu tư xây dựng đồng bộ. Tại 9 ấp, sóc dù đã có nhà văn hoá nhưng chưa có nhà vệ sinh, giếng nước thì nay được đồng loạt thi công.Năm 2020, Tân Quan được đầu tư cán đích NTM nên đã được đầu tư bê tông xi măng 11km đường giao thông nông thôn. Năm 2024 về đích NTM nâng cao, xã được đầu tư bê tông xi măng thêm 5,5km, mặt đường rộng 4 m, rộng hơn 1m so với trước. Thời gian vừa qua thời tiết địa bàn Bình Phước mưa nhiều nhưng các nhà thầu vẫn khắc phục khó khăn, huy động nhân, vật lực thi công công trình với mong muốn kịp tiến độ và đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, các công trình vệ sinh, giếng nước tại nhà văn hoá, các tuyến đường giao thông để sớm hoàn thiện phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.Chủ tịch UBND xã Tân Quan Phan Văn Diến cho biết: Để về đích NTM nâng cao, năm 2024 xã được đầu tư 11 tỷ đồng để triển khai đồng loạt các công trình, hạng mục, tập trung chủ yếu ở tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, vệ sinh môi trường và điện để hoàn thành 18/20 tiêu chí. Đối với tiêu chí quy hoạch, do Tân Quan đang có lộ trình sáp nhập với xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành giai đoạn 2023-2025 nên tạm dừng. Đối với 2 tiêu chí cứng còn lại là y tế và giáo dục đang chờ nguồn vốn để triển khai thực hiện thời gian tới.Hoàn thành xây dựng NTM cơ bản năm 2020 nên phần lớn các tuyến đường giao thông nông thôn địa bàn xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành được bê tông xi măng và nhựa hoá khang trang, sạch đẹp. Hiện chỉ còn một số tuyến đường ngắn, xa dân cư, nhưng đây là những tuyến quan trọng phục vụ đi lại sản xuất, thông thương hàng hoá cho người dân nên cần được đầu tư nâng cấp. Do nguồn vốn hạn hẹp chỉ 2,7 tỷ đồng nên thay vì bê tông xi măng hoặc nhựa hoá thì xã chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường từ 4m lên 10m để cấp phối sỏi đỏ. Để phấn đấu hoàn thành kịp tiến độ, thời gian vừa qua, nhà thầu đã huy động nhân, vật lực giải phóng mặt bằng 5 tuyến dài 6km, chờ khi thời tiết nắng ráo sẽ đồng loạt thi công. Tuyến đường cấp phối sỏi đỏ xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành gấp rút thi công kịp tiến độ
Cùng với hệ thống giao thông thì 7/7 nhà văn hoá trên địa bàn xã Nha Bích cũng đang được gấp rút duy tu, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cơ sở vật chất văn hoá xứng tầm với xã NTM nâng cao. Cùng với đó, năm nay Nha Bích phấn đấu xây dựng thêm một khu dân cư kiểu mẫu nhằm đem lại điểm nhấn, khởi sắc ở vùng quê. Tại khu dân cư kiểu mẫu ấp 4, ngoài hoàn thành 100% tuyến đường bê tông xi măng và nhựa hoá với tổng gần 13km thì trên các tuyến đường được trồng hoa, lắp đặt đèn chiếu sáng, camera an ninh đã tạo diện mạo mới, khác hẳn so với trước. Tuyến đường vào khu dân cư kiểu mẫu ấp 4, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành khang trang, sạch đẹp
Chủ tịch UBND xã Nha Bích Đoàn Thị Thu Hồng cho biết: Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, vì vậy để cán đích NTM nâng cao theo lộ trình địa phương đang gấp rút thi công các công trình, hạng mục để kịp tiến độ đề ra. Điển hình như sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường tại 3 ấp, trang bị các điểm báo giao thông; sửa chữa, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho các nhà văn hoá; đầu tư mua sắm trang thiết bị để Trường mầm non Nha Bích đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2.Quyết tâm ở xã vùng sâuĐăng Hà là xã vùng sâu, xa của huyện Bù Đăng với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm 80%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp, trong khi đó cơ sở hạ tầng thiếu và yếu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí về đích NTM vào cuối năm nay.Từng được xem là cơ sở giáo dục khó khăn nhất tỉnh Bình Phước, nhưng đến nay thăm Trường tiểu học Đăng Hà đã hoàn toàn đổi thay. Từ các nguồn kinh phí, những năm gần đây trường được quan tâm đầu tư xây dựng các dãy phòng học lý thuyết, phòng học bộ môn và các phòng chức năng đảm bảo nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Đặc biệt, để đạt chuẩn quốc gia theo quy định, năm 2024 trường được đầu tư xây dựng khối hiệu bộ và công trình đang hoàn thiện đưa vào sử dụng vào đầu tháng 11 năm nay. Đây là điều kiện, tiền đề để nhà trường nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. “Tôi cũng như toàn thể giáo viên rất vui và phấn khởi, bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng hoàn thiện, đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu dạy học, thực hành kỹ năng sư phạm, tiếp thu kiến thức của học sinh, đặc biệt là áp dụng hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô Mai Thị Thanh Tân, giáo viên Trường tiểu học Đăng Hà phấn khởi cho biết. |
Cùng với trường học, hệ thống giao thông, cầu cống đang được gấp rút triển khai xây dựng. Trong đó, chiếc cầu kết nối Đăng Hà với xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đang được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, tạo đà phát triểu kinh tế - xã hội, nhất là thông thương hàng hoá giữa 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.Để cán đích NTM trong năm nay, Đăng Hà được huyện Bù Đăng quan tâm đầu tư xây dựng 19,2 km đường bê tông xi măng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; trong đó Nhà nước hỗ trợ 80%, nhân dân đóng góp đối ứng 20%. Hiện các khu dân cư đang vận động nhân dân đóng góp kinh phí đối ứng, khi đủ tiền sẽ triển khai xây dựng.Không chỉ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM mà Đăng Hà đang được huyện Bù Đăng quan tâm quy hoạch khu đất để xây dựng trung tâm hành chính mới, cùng với các tuyến giao thông lớn đang có chủ trương xây dựng sẽ tạo điểm nhấn, nổi bật khi hoàn thành. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất ở Đăng Hà hiện nay là làm sao để nâng cao mức thu nhập cho người dân. Với trên 90% người dân làm kinh tế nông nghiệp nhưng thổ nhưỡng, vị trí địa lý, địa hình, hệ thống nước tưới lại không tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Nên đây là bài toán khó, nỗi trăn trở bấy lâu cần có lời giải. “Gia đình có 2 sào đất trồng lúa, nếu thời tiết thuận lợi thì sau khi trừ các khoản chi phí chỉ dư khoảng 2 tạ để ăn, nếu không sẽ mất trắng. Nguyên nhân là do nguồn nước thiếu nên chỉ sản xuất được 2 vụ/năm, trong khi mùa khô là mùa dễ sản xuất, thu hoạch hơn nhưng lại không có nước. Vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân, chúng tôi mong muốn xây dựng hệ thống thuỷ lợi sản xuất 3 vụ lúa/năm, hoặc đầu tư cải tạo đất để trồng loại cây khác năng suất cao hơn”, anh Vi Văn Cầu, thôn 4, xã Đăng Hà trăn trở. |
Chủ tịch UBND xã Đăng Hà Lê Bá Dung cho biết: Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa dân về khu trung tâm hành chính mới thì những khó khăn, trăn trở của lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện là làm sao thay đổi tư duy làm kinh tế của người dân, từ tự cung tự cấp sang kinh tế thị trường. Trước mắt, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đang kết nối đưa giống ngô sinh khối về trồng xen vụ để tăng năng suất trên cùng đơn vị diện tích đất lúa. Cùng với đó sẽ vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng. Một góc của Trường tiểu học Đăng Hà, huyện Bù Đăng
Đến nay Đăng Hà mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí trong xây dựng NTM nên để về đích cuối năm 2024 này là bài toán khó. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cả hệ thống chính trị và người dân toàn xã đang nỗ lực hàng ngày để cán đích NTM theo lộ trình đã đề ra.