Dù là huyện miền núi với địa bàn rộng, hộ nghèo đông, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, hạ tầng cơ sở còn thiếu và yếu nhưng sau hơn 13 năm triển xây dựng NTM đã tạo được nhiều điểm nhấn ấn tượng, khởi sắc, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Giao thông thuận tiện
Là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của nhà nước, đóng góp tích cực của nhân dân nên cuối năm 2022 xã Đoàn Kết hoàn thành 19/19 NTM và công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023 trong niềm hân hoan phấn khởi của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong nhiều công trình, hạng mục được đầu tư xây dựng thì hệ thống giao thông nông thôn để lại dấu ấn đậm nét với trên 95% tuyến đường được nhựa hoá, cứng hoá đảm bảo lưu thông thuận tiện.
Ông Điểu Chon, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 6, xã Đoàn Kết chia sẻ: So với những năm trước thì hệ thống đường sá ngày nay khang trang, sạch đẹp, lưu thông thuận tiện hơn rất nhiều. Kết quả đó đó là nhờ sự đầu tư, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc miền núi của Đảng, Nhà nước. Riêng người dân thôn 6 được thụ hưởng nhiều con đường huyết mạch, kết hợp lắp đặt đèn đường thắp sáng, từ đó vận động nhân dân trồng hoa hai bên đường. Và so với trước giải phóng, hiện nay cùng với cơ sở hạ tầng dân sinh thì nhiều nhà cao tầng khang trang, rộng rãi được xây dựng, đời sống nhân dân ngày có sự đổi thay khởi sắc, rõ nét.
Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Lương Nghĩa cho biết: Trong số nhiều chính sách được quan tâm hỗ trợ, xây dựng thì Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là chính sách lớn, hợp ý Đảng, lòng dân. Từ chủ trương lớn này, địa phương đã vận động nhân dân và cả hệ thống chính trị cùng chung tay vào cuộc, đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Từ đó, góp phần đưa xã về đích NTM năm 2022 và từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM nâng cao thời gian tới.
Xã Đức Liễu đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023
Xã Đức Liễu được chọn đầu tư xây dựng NTM nâng cao năm 2022 và đến cuối năm 2023 hoàn thành 20/20 tiêu chí với nhiều điểm nhấn nổi bật: Xã có 165km đường giao thông nông thôn thì phần lớn được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện; có 4/6 trường học đạt chuẩn cơ sở vật chất mức 1; 10/10 thôn có nhà văn hóa được xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa đúng quy chuẩn, cùng với đó là xây dựng các sân tập và lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao tạo điều kiện cho người dân rèn luyện nâng cao sức khoẻ.
Ông Lê Ngọc Ánh, Trưởng thôn 1, xã Đức Liễu chia sẻ: Cùng với hệ thống đường giao thông, trường học thì việc nhà văn hoá được được đầu tư xây dựng rộng rãi, khang trang, xây dựng sân bóng chuyền, lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao là điểm nhấn rất rõ nét. Vào sáng sớm và buổi xế chiều, nhân dân với đủ thành phần lứa tuổi đã tập trung rất đông về nhà văn hoá thôn để vui chơi, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khoẻ sau một ngày làm mệt nhọc.
Tuyến đường vào khu dân cư kiểu mẫu thôn 3, xã Đức Liễu
Cùng với cơ sở hạ tầng NTM, Đức Liễu có trục giao thông chính Quốc lộ 14, đường ĐT755B đi qua tỉnh Lâm Đồng. Đây là những tuyến đường huyết mạch, nối các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ. Với những lợi thế đó nên địa phương xác định, xây dựng NTM, NTM nâng cao là tiền đề để xã phấn đấu trở thành đô thị loại V trong thời gian tới.
Đắk Nhau là xã vùng sâu, xa của huyện Bù Đăng được đầu tư cán đích NTM năm 2023 với cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đến nay đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, kết nối thông thương thuận tiện. Xã có hơn 100km đường giao thông, trong đó có 56km đường nội đồng liên thôn, liên đội được cứng hoá đạt trên 90%. Một trong những tuyến đường tạo điểm nhấn ở xã vùng sâu này là tuyến liên thôn từ ngã ba công an đi khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số Đăng Lang. Đây là tuyến huyết mạch nhưng trước đây chỉ rộng 3m khiến việc lưu thông của bà con gặp nhiều khó khăn. Từ vốn NTM, xã đã vận động nhân dân hiến đất mở rộng và sửa chửa, nâng cấp thảm nhựa mặt đường rộng 5m, chiều dài 3km.
“Những năm trước đây, đoạn đường này rất là xấu với ổ gà, ổ voi chằng chịt, cùng với đó là chập hẹp nên chỉ cần có xe tải đi là hết đường. Từ chương trình NTM nên bây giờ có con đường đẹp, rộng rãi, kết nối lưu thông thuận tiện, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân”, ông Điểu B’Rang, thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau phấn khởi.
Trưởng Phòng NN&PTTN huyện Bù Đăng Nguyễn Huy Long cho biết: Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay toàn huyện Bù Đăng đã làm mới gần 500km đường bê tông xi măng. Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn của tỉnh 200 tỷ đồng, huyện đã đầu tư nhiều tuyến đường huyết mạch, liên xã tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trường học khang trang
Cùng với hệ thống giao thông, thì từ nhiều nguồn lực, cơ sở vật chất trường lớp địa bàn huyện Bù cũng được đầu tư khang trang, đồng bộ theo hướng đạt chuẩn. Đến nay, toàn huyện có 26/54 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 48,14%.
Cô trò Trường tiểu học Võ Thị Sáu trong giờ dạy và học
Từng là địa bàn gặp nhiều khó khăn nhất về cơ sở vật chất trường lớp, nhưng đến nay các trường học trên địa bàn xã NTM Đường 10 đều được đầu tư khang trang, bề thế và có 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2023. Ngôi trường tạo điểm nhấn nổi bật nhất của toàn huyện Bù Đăng là tiểu học Võ Thị Sáu. Từ nguồn vốn 45 tỷ đồng, trường được đầu tư xây dựng trên khu đất mới diện tích 1ha với 3 dãy tầng lầu, nhà bếp, cổng, hàng rào và nhiều công trình phụ trợ khác, tạo điều kiện học tập cho gần 700 học sinh, trong đó 57% là con em dân tộc thiểu số. Ngôi trường mới hoàn thành đưa vào sử dụng đã chấm dứt khó khăn về cơ sở vật chất hàng chục năm qua.
“Trước đây ở trường cũ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học rất thiếu thốn đủ bề. Từ khi chuyển sang trường mới với cơ sở vật chất đầy đủ, mỗi phòng đều có tivi, máy chiếu, bàn ghế học sinh đảm bảo. Từ đó, học sinh chăm học, phụ huynh phấn khởi, giáo viên yêu nghề, mến trẻ hơn. Đây là điều kiện, tiền đề thực tốt chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, từng bước nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của nhà trường”, cô Hà Thị Tuyến, giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ.
Kế Trường tiểu học Võ Thị Sáu là Trường mẫu giáo Thanh Bình, xã Đường 10 cũng đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia năm 2023 vừa qua. Với diện tích 1ha, trường được xây dựng 10 phòng học và các phòng chức năng, bộ môn, bếp ăn, công trình phụ trợ khác. Cùng với đó, trường được đầu tư mua sắm đầy đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ nhu cầu học tập, trải nghiệm của trẻ trong và ngoài lớp học.
“Từ khi ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, mua sắm đầy đủ đồ dùng, đồ thời thì cả giáo viên và phụ huynh rất là vui mừng, phấn khởi; cơ sở vật chất đổi mới, trường lớp sạch sẽ nên các cháu hứng thú đến lớp, say sưa học tập, vui chơi, trải nghiệm, chất lượng giáo dục ngày một đi lên”, cô Đặng Thị Chung, Phó hiệu trưởng Trường mẫu giáo Thanh Bình chia sẻ.
Sau hơn 13 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay toàn huyện Bù Đăng có 12/15 xã đạt chuẩn NTM cơ bản, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Và năm 2024 này, huyện phấn đấu đưa 3 xã còn lại là Nghĩa Bình, Đồng Nai và Đăng Hà về đích NTM cơ bản, tuy nhiên đang gặp khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã Đồng Nai, Nghĩa Bình do vướng quy hoạch khoáng sản bô-xít.
“Khó khăn nhất trong xây dựng NTM trên địa bàn là vướng quy hoạch bô-xít, không được dầu tư xây dựng ở những khu vực này bởi vướng theo Luật Khoáng sản và Luật đầu tư. Thời gian qua chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị lên cấp trên tìm giải pháp tháo gỡ để đầu tư xây dựng các công trình dân sinh phục vụ người dân, tạo điều kiện đưa các xã về đích NTM”, Nguyễn Huy Long, Trưởng phòng NN&PTTN huyện Bù Đăng.
Những khó khăn đó nếu sớm được tháo gỡ thì phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn huyện Bù Đăng có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, 6/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ đó sẽ từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí đưa huyện về đích NTM.
Tác giả: Đỗ Anh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn