Bài 2:
KINH NGHIỆM Ở HUYỆN “CỬA NGÕ”
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở huyện Đồng Phú
Từ một xã được đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) đầu tiên trong cả nước và công nhận đạt chuẩn từ năm 2014, 6 năm sau đó, 10/10 xã của huyện Đồng Phú đều đạt chuẩn NTM. Đến nay, ngoài các xã đạt chuẩn, huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 24 ấp đạt khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Kết quả đó là nhờ phát huy tốt vai trò của người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Người dân hưởng lợi gì từ nông thôn mới?Trước đây, nhà văn hóa ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú rất cũ kỹ, chật hẹp, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, nay được xây dựng hoàn toàn mới và hiện đại. Trước nhà văn hóa là hàng ngàn mét vuông sân bê tông, tạo thuận lợi cho người dân vui chơi, tham gia các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Không chỉ vậy, các tuyến đường nơi đây đều được thảm nhựa, bê tông hóa khang trang gắn với trụ đèn thắp sáng và đường hoa. Kết quả này một phần từ công sức, trách nhiệm của mỗi người dân nơi đây.Chị Chu Thị Hiển, ngụ ấp Bù Xăng chia sẻ: Là công dân mình phải có trách nhiệm cùng xã hội tham gia đầy đủ các hoạt động, đồng thời tích cực đóng góp để xây dựng hạ tầng cơ sở. Bởi, các công trình xây dựng mục đích cuối cùng cũng chỉ phục vụ cho bản thân, con cháu mình. “Người dân chung tay đóng góp, từ đó hệ thống giao thông khu dân cư rộng rãi, sạch sẽ, đi lại thuận tiện, an ninh được đảm bảo. Đây là điều kiện thuận lợi, là “đòn bẩy” để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống” - chị Hiển bày tỏ. Khuôn viên nhà văn hóa ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú được bê tông hóa rộng rãi tạo điều kiện cho người dân vui chơi, giải trí, thể dục thể thao nâng cao sức khỏe
Hạ tầng giao thông phát triển, từ một vùng quê khó khăn, nay các căn nhà cao tầng, nhà mái Thái đua nhau mọc lên. Điều đó chứng tỏ kinh tế - xã hội ấp Bù Xăng phát triển vượt bậc hơn trước, là niềm tự hào, phấn khởi của mỗi người dân. Bà Chu Thị Oanh, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bù Xăng cho biết: Có được thành quả như hiện nay là một kỳ tích. Bởi những ngày đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn, do người dân chưa hiểu rõ vấn đề. Sau thời gian dài vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lúc đầu làm một vài tuyến đường thí điểm, người dân thấy hưởng lợi lớn nên đồng loạt hưởng ứng. “Đường mở rộng, thông suốt giữa tổ này với tổ khác, giữa ấp này với ấp khác, kết nối ấp với trung tâm xã và các trục đường chính đã tạo thuận lợi cho người dân trong lưu thông, phát triển kinh tế. Trước đây, đường nhỏ, phụ nữ dân tộc thiểu số không đi được xe gắn máy thì nay không chỉ xe máy mà nhiều chị còn đi được xe hơi” - bà Oanh nhìn nhận. Tuyến đường ở ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú được xây dựng khang trang, sạch đẹp
Là địa phương được đầu tư về đích NTM nâng cao năm 2022 nên cả 3 trường học trên địa bàn xã Thuận Phú đều được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế theo hướng hiện đại. Để đón năm học mới cũng như đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường còn được xây dựng thêm một số hạng mục, công trình khác. Đơn cử như Trường tiểu học Thuận Phú đã được đầu tư 3 dãy lầu với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, mua sắm trang thiết bị hiện đại. Năm học này trường tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm dãy lầu phòng chức năng, không chỉ đáp ứng nhu cầu dạy học mà còn đáp ứng các quy định mới của Bộ GD&ĐT. “Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại không chỉ đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn là điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, trước đây khi cơ sở vật chất trường lớp chưa đồng bộ, nhiều học sinh chuyển đi nơi khác nhưng nay thì ngược lại, nhiều phụ huynh đưa con em về trường. Điều đó chứng tỏ trường lớp khang trang đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh” - cô Lê Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường tiểu học Thuận Phú tự hào. Trường tiểu học Thuận Phú, huyện Đồng Phú được xây dựng đạt chuẩn quốc gia phần lớn nhờ nguồn lực nông thôn mới
Chủ tịch UBND xã Thuận Phú Trần Đình Thìn cho biết, Thuận Phú là một trong 20 xã của tỉnh được chọn đầu tư về đích NTM giai đoạn 2011-2016. Đến năm 2022, tiếp tục được chọn đầu tư xây dựng NTM nâng cao, đến nay xã đã hoàn thành 20/20 tiêu chí. Ngoài hệ thống các trường học, đường giao thông xây dựng đạt chuẩn thì diện mạo các khu dân cư đổi thay rõ nét, trong đó có 3 ấp đạt khu dân cư kiểu mẫu, vượt 2 khu dân cư so với quy định. “Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì địa phương luôn phát huy vai trò nội lực của nhân dân, bởi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, nhân dân đã đóng góp đối ứng xây dựng các công trình NTM với kinh phí gần 5 tỷ đồng” - ông Thìn khẳng định.Phát huy sức mạnh tổng lựcTân Lập, huyện Đồng Phú là một trong những xã đầu tiên của cả nước được chọn đầu tư cán đích NTM năm 2011. Vì chưa có trong tiền lệ nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vướng đến đâu tháo gỡ đến đó. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, Tân Lập được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014 và đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Sau 12 năm xây dựng và hoàn thiện, đến nay 100% tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Tân Lập được nhựa hóa, bê tông hóa và cấp phối sỏi đỏ, đảm bảo lưu thông thuận tiện. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên, an toàn đạt 100%; tỷ lệ đường chiếu sáng khu dân cư đạt 70%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,03%; thu nhập bình quân đầu người ước đến cuối năm 2023 đạt 80 triệu đồng/năm.Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Phú Nguyễn Thị Tú Anh cho biết, cũng giống nhiều huyện, thị xã khác, khi triển khai xây dựng NTM, huyện Đồng Phú gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là cơ sở hạ tầng chậm được đầu tư nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và dân sinh. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chưa phát triển. Các hình thức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa. Năm 2011, bình quân các xã chỉ đạt 3-4 tiêu chí, thu nhập bình quân chỉ 13,6 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,5%. Một số xã địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung, thu nhập thấp, khối lượng đầu tư xây dựng NTM, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn. Thế nhưng, sau 12 năm bền bỉ xây dựng, đến nay cơ sở hạ tầng về điện, đường cơ bản hoàn thiện, đảm bảo theo quy định. Thu nhập bình quân đạt 75,5 triệu đồng/người/năm; huyện chỉ còn 79 hộ nghèo, chiếm 0,31%/tổng hộ dân và 115 hộ nghèo, chiếm 0,45%/tổng hộ dân.Việc huy động sức dân phải có phương án cụ thể, được bàn bạc, công khai, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Trong đó, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM theo phương châm “huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách là cần thiết”. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ, thống nhất, có sự giám sát của cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch.Chia sẻ về những kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng NTM, bà Nguyễn Thị Tú Anh cho rằng, cần xác định xây dựng NTM là việc làm dài hơi, có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng NTM cũng như trách nhiệm của chủ thể cùng Nhà nước chung tay thực hiện thì huyện còn tập trung chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đó là phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ để phát triển bền vững.