Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có diện tích đất nông nghiệp lớn, đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, tiêu, cây ăn trái,... Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
Ông Phạm Thụy Luân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Với vị trí địa lý quan trọng, tiềm năng, lợi thế đa dạng, phong phú và không gian phát triển lớn, Bình Phước xác định nông nghiệp là một trong 03 ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, tỉnh thu hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức và kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái và bền vững.Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để đưa Bình Phước phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm, loại hình tổ chức, từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô vừa và lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt trong chăn nuôi, cây công nghiệp lâu năm. Chú trọng liên kết sản xuất, canh tác theo hướng nâng cao chất lượng, đa giá trị nhằm tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.Hiện, tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh đạt 438.036ha. Trong đó, vùng sản xuất tập trung chủ yếu trên cây cao su, điều đã tạo ra nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến; các vùng sản xuất tập trung cây ăn trái và chăn nuôi cũng đang trong giai đoạn bước đầu xây dựng, phát triển tích cực. Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024 thu hút được các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế tham gia như Nesdpice, De Heus, CP, Hùng Nhơn…
Tổng đàn heo hiện có 2.080.059 con, với 423 trại (trong đó có 287 trại có chuồng lạnh, kín chiếm 67,8% tổng số trại); tổng đàn gia cầm 10.289 nghìn con, chăn nuôi trang trại chiếm 63%; toàn tỉnh có 88 trại gia cầm (81 trại gà và 7 trại vịt), 66 trại chăn nuôi công nghệ chuồng lạnh, kín, tự động hoặc bán tự động (chiếm 75% số trại gia cầm),... Có 06 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gia cầm, đang tiếp tục triển khai xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm tại huyện Phú Riềng, vùng chăn nuôi gia súc tại huyện Hớn Quản và thị xã Chơn Thành,...Bên cạnh đó, tỉnh có 05 nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm: Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, “Hồ tiêu Lộc Ninh”, “Gà thả vườn Thanh Lương”, “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương” và “Cao su Bình Phước”. Đồng thời, có 134 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến hạng 5 sao và có khoảng trên 260 chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị đang hoạt động hiệu quả với 38 hợp tác xã tham gia,... Nhà máy chế biến gà xuất khẩu CPV FOOD có số vốn đầu tư 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con/năm được đặt tại KCN Becamex Bình Phước
Ngành điều hiện có trên 1.400 cơ sở chế biến quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động. Hỗ trợ 09 doanh nghiệp chế biến hạt điều được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tư vấn, hướng dẫn cho 07 doanh nghiệp khác về thủ tục đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Thu hút Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice xây dựng nhà máy thu mua, chế biến hồ tiêu với năng lực kho chứa khoảng 10.000 tấn. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng 09 cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch đối với sầu riêng và chuối với công suất trung bình 40 - 160 tấn/ngày/cơ sở. Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ các hợp tác xã về kho bãi, sân phơi để thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả.Thu hút chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đối với lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gồm: Chuỗi sản xuất thịt gà khép kín, an toàn dịch bệnh để xuất khẩu của Công ty TNHH CPV Food với tổng mức đầu tư 250 triệu USD đi vào hoạt động trongnăm 2023, đã xuất khẩu hơn 1.682 tấn sản phẩm thịt gà chế biến sang Nhật, Hồng Kông (Trung Quốc), Lào, Campuchia với doanh thu ước đạt 144,5 triệu USD; Chuỗi sản xuất an toàn của Công ty Japfa đã dần hình thành các khâu trong chuỗi sản xuất: Nhà máy thức ăn - trại chăn nuôi - nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm; Chuỗi sản xuất thịt gà của Công ty De Heus với 07 trại (53 nhà) chăn nuôi gà với quy mô 1.060.000con/lứa đang hợp tác theo hình thức ký hợp đồng chăn nuôi bao tiêu đầu ra với giá ổn định. Các trang trại này đã được công nhận an toàn dịch bệnh và tham gia chuỗi an toàn thực phẩm của TP.Hồ Chí Minh.Ông Phạm Thụy Luân cho biết thêm: “Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/7/2023 của Tỉnh ủy Bình Phước về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định: Ngành Nông nghiệp chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường, đa giá trị. Tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 trong tất cả các khâu.Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, phấn đấu hình thành từ 01- 02 vùng NNCNC, hình thành 01 khu NNCNC; nâng cao tỷ lệ sản xuất sạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phấn đấu 90% tổng số cơ sở chăn nuôi heo, gia cầm sản xuất theo hướng an toàn có kiểm soát,... Trong đó, đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, NNCNC, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương đạt trên 10% đối với sản phẩm trồng trọt và 90% đối với sản phẩm chăn nuôi.Hiện nay, Sở đang tích cực hướng dẫn các địa phương tiêu chí để hình thành vùng sản xuất NNCNC, dự kiến năm 2025 sẽ hình thành 01 vùng NNCNC, 01 khu NNCNC. Duy trì và mở rộng trên 12.300ha sản xuất nông nghiệp sạch trên các loại cây trồng, trong đó chứng nhận hữu cơ 3.565ha chủ yếu trên cây điều, hồ tiêu, cây ăn trái. Chú trọng xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, NNCNC. Thực hiện phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nhằm mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Với các chương trình nổi bật như: Hội nghị xúc tiến lĩnh vực NNCNC, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuyển đổi số năm 2023. Hội nghị đã giới thiệu 14 khu đất với diện tích khoảng 3.786,5ha, xác định được 28 vị trí đất khác có nguồn gốc đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp đang hướng tới sản xuất NNCNC và đề xuất đưa vào quy hoạch là 1.815,75ha để kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy về phân bón, sơ chế, chế biến nông sản, cơ khí,... Diễn đàn kết nối doanh nghiệp NNCNC EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024 đã thu hút được các doanh nghiệp lớn trong nước, quốc tế tham gia như: Nesdpice, De Heus, CP, Hùng Nhơn,…Ông Phạm Thụy Luân nhấn mạnh: “Phát triển NNCNC là trụ cột, định hướng chính của tỉnh. Ngành đã được ưu tiên nhiều cơ chế, chính sách để ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm. Ngành cam kết thực hiện đủ, đúng, kịp thời những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu và đầu tư có hiệu quả các dự án tại địa phương.