Năm 2023 Bình Phước có 7 xã được đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM), 6 xã NTM nâng cao và đến cuối năm 2024 đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận 6 xã NTM và 5 xã NTM nâng cao. Với phương châm không chạy đua thành tích, không nợ đọng nên đến nay vẫn còn xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh và xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản chưa được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao do chưa hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí đề ra. Hiện các địa phương này đang chạy đua nước rút hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn thời gian tới.
Điểm sáng làm đường giao thông
Xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản được đầu tư xây dựng NTM năm 2019 và chỉ trong 4 năm địa phương này đã vận động nhân dân đóng góp hơn 100 tỷ đồng bê tông xi măng và nhựa hóa hơn 70km đường giao thông nông thôn. Qua đó góp phần đưa Tân Hiệp về đích NTM năm 2019 và phấn đấu hoàn thành NTM nâng cao trong năm 2023. Đây là điểm sáng trong tỉnh về vận động nhân dân hiến đất, cây trồng và kinh phí làm đường giao thông nông thôn trong xây dựng NTM. Tiêu biểu là ấp Tân Lập và ấp 6 đã vận động nhân dân đóng góp vốn đối ứng 16 tỷ đồng cùng nhà nước làm 30 km đường bê tông xi măng rộng 4m. Đây là điểm nhấn ấn tượng làm đổi thay các khu dân cư.
Cùng với việc đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, các ấp còn vận động nhân dân lắp đèn đường thắp sáng, trồng hoa hai bên lề tạo điểm nhấn nổi bật ở khu dân cư, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
“Điểm sáng, ấn tượng mà người dân mong ước từ trước, đến nay địa phương đã thực hiện được với chỉ tiêu rất cao. Đó là 100% trục đường chính của xã, của ấp đều được bê tông và nhựa hoá khang trang, rộng rãi nên nhân dân rất phấn khởi. Cùng với đó, nhân dân đã trồng hoa, trồng cây xanh, lắp đèn đường nên đã hình thành nhiều tuyến đường sạch, xanh, sáng, đẹp, đảm bảo đi lại thuận tiện và an toàn”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Vũ Trọng San chia sẻ.
Ngoài những điểm nhấn làm đổi thay, khởi sắc khu dân cư thì để cán đích NTM nâng cao năm 2023, Tân Hiệp còn 3/20 tiêu chí chưa đạt là trường học, cơ sở vật chất văn hoá và quy hoạch.
Xã có 2 trường học thì mới có Trường mầm non Tân Hiệp đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất với 12 phòng học, 4 phòng chức năng, khu hiệu bộ cùng các khu vui chơi và được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2022.
Cô Mai Thị Thu, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Hiệp cho biết: Sau khi đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2022 thì phụ huynh tin tưởng, gửi con nhiều hơn và chất lượng vêc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng cũng được nâng cao. Phát huy kết quả đạt được, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, trường sẽ xã hội hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị, làm thêm đồ, dùng đồ chơi phấn đấu đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 để xứng tầm với xã NTM nâng cao.
Còn tại Trường tiểu học và THCS Tân Hiệp, do học sinh tăng cơ học nhanh, mỗi năm tăng hơn 100 em, trong khi đó cơ sở vật chất không đáp ứng kịp dẫn đến thiếu phòng học, phòng học bộ môn, chức năng và trang thiết bị dạy học. Để đáp ứng nhu cầu dạy học, vừa qua trường được đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học, tuy nhiên so với nhu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia thì còn thiếu rất nhiều.
Thầy Nguyễn Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Tân Hiệp cho biết: “Những năm học trước, trường chỉ thiếu 10 phòng học nhưng khi xây dựng bổ sung xong thì học sinh tăng hơn 100 em nên năm học 2024-2025 phải tách thêm 4 lớp. Vì vậy, nếu đạt chuẩn chuẩn quốc gia so với học sinh thời điểm hiện tại thì cần xây dựng thêm 16 phòng học, phòng chức năng và nhà tập đa năng”.
Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá, ngoài các nhà văn hoá được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới thì hiện nay xã chưa có Trung tâm Học tập cộng đồng và Trung tâm Văn hóa - Thể thao dù quỹ đất công đã có. Nguyên nhân là chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng. Đây cũng là 1 trong 3 tiêu chí còn nợ đọng trong xây dựng NTM nâng cao ở Tân Hiệp cần được đầu tư nguồn vốn xây dựng, hoàn thiện thời gian tới.
“2/3 tiêu chí này đều có mức đầu tư quá lớn, nằm ngoài tầm kiểm soát của xã. Vì vậy, để thực hiện hoàn thành rất cần được sự quan tâm đầu tư của cấp trên. Và nếu được quan tâm vốn đầu tư xây dựng, địa phương sẽ phấn đấu về đích NTM nâng cao trong năm 2025 này”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Vũ Trọng San bày tỏ.
Phấn đấu hoàn thành tiêu chí nợ đọng
Khác với Tân Hiệp, Lộc Phú là xã đặc biệt khó khăn nên huyện Lộc Ninh đưa địa phương này cán đích NTM sau cùng để tập trung đầu tư kinh phí lớn lồng ghép từ nhiều nguồn, trong đó tiêu chí giao thông. Xã có 54km đường giao thông liên xã, liên ấp, ngõ, xóm, trong đó nhiều tuyến kết nối thông thương giữa các khu dân cư dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn với trung tâm xã và các trục đường chính lớn. Để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông này cần nguồn vốn rất lớn, trong khi việc vận động đóng góp trong nhân dân là không thể, bởi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để hoàn thành tiiêu chí giao thông, năm 2023, Lộc Phú đã được đầu tư làm 19km đường bê tông xi măng, đường nhựa; trong đó, gần 10km đường nhựa rộng 9m kết nối trung tâm xã với các khu dân cư DTTS, kinh phí hơn 100 tỷ đồng.
10 phòng học Trường tiểu học và THCS Tân Hiệp, huyện Hớn Quản được xây dựng mới
“Đây là tuyến đường huyết mạch của địa phương, kết nối, lưu thông các vùng sâu, xa nhất với trung tâm hành chính xã. Qua đó tạo điều kiện cho người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn đi lại, giao thương hàng hoá thuận lợi cũng như phát triển thương mại, dịch vụ vùng nông thôn thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú Trần Văn Tiến chia sẻ.
Cùng với hệ thống giao thông, các nhà văn hóa trên địa bàn xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tổ chức các hoạt động hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn lồng ghép 1,5 tỷ đồng, tại các khu dân cư DTTS được đầu tư xây dựng 5 công trình cấp nước tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, lẫn tinh thần cho người dân ở xã đặc biệt khó khăn này.
Các tuyến đường khu dân cư xã Tân Hiệp được xây dựng khang trang, trồng hoa 2 bên lề
Dù được đầu tư nguồn kinh phí lớn xây dựng hạ tầng cơ sở, tuy nhiên cơ sở vật chất Trường tiểu học và THCS Lộc Phú vẫn chưa được đầu tư xây dựng, khiến việc dạy học, nhất là thực hiện Chương trình giáo dục phổng thông 2018 gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các phòng học cấp 4 của khối tiểu học xây dựng từ năm 1997, đến nay xuống cấp trầm trọng; trong khi đó, 8 phòng khối THCS xây dựng năm 2017 nhưng chật hẹp, không đúng quy chuẩn của trường THCS. Bởi vậy, những lớp có đông học sinh, phải kê bàn ghế sát bục giảng mới sắp xếp đủ chỗ ngồi cho các em.
Khu cấp nước tập trung xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh phục vụ nước sạch cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn
Theo báo cáo của UBND huyện Lộc Ninh, hiện xã Lộc Phú đạt 18/19 tiêu chí NTM, còn 1 tiêu chí đang khẩn trương thực hiện là trường học do diện tích không đảm bảo. Trước đó, UBND huyện Lộc Ninh đã bố trí khu đất mới với diện tích 2,1 ha tại ấp Tân Lợi, xã Lộc Phú, tuy nhiên do chưa có quy hoạch chung của xã nên chưa khởi công xây dựng. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt đồ án chung xây dựng NTM xã Lộc Phú. Dự kiến, công trình Trường tiểu học và THCS Lộc Phú sẽ khởi công vào tháng 3-2025, do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình của tỉnh làm chủ đầu tư và sẽ hoàn thành vào năm 2026.
Cùng với Lộc Phú, xã Lộc Hưng và xã Lộc Thái của huyện Lộc Ninh đều hoàn thành 19/20 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024. Cả 2 địa phương này còn 1 tiêu chí chưa hoàn thành là quy hoạch và hiện đang triển khai thực hiện các bước lập đồ án cũng như phê duyệt quy hoạch chung xã.
Kỳ vọng với những khó khăn, vướng mắc của các địa phương sẽ sớm được quan tâm tháo gỡ, từ đó sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2025 này.
Học sinh Trường tiểu học và THCS Lộc Phú trong giờ học