137 nhiệm vụ lập pháp của Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Thứ tư - 03/11/2021 05:49 576 0
Sáng nay (3-11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến đến 62 tỉnh, thành và tập trung tại Nhà Quốc hội gồm đại biểu tại các cơ quan Trung ương và TP. Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường chủ trì điểm cầu Bình Phước

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Hoàng Lâm; Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang đồng chủ trì tại điểm cầu Bình Phước. 

Việc triển khai Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, gắn với 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triền nhanh, bền vững của đất nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Chính trị lưu ý: Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng

 

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến
 

Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đặt ra 8 định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể cần tập trung thực hiện, 137 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021-2026; thứ tự ưu tiên và các giải pháp thực hiện, bảo đảm tính khả thi.

Đề án do Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị được Bộ Chính trị thông qua thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, đưa Nghị quyết đại hội vào cuộc sống. Đề án là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng nhằm góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Ông Hoàng Thanh Tùng,
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội 

Về trách nhiệm triển khai, kế hoạch giao Chính phủ, các cơ quan, tổ chức tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng hoàn thiện thể chế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác này, tránh để xảy ra lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật. Quốc hội triển khai thực hiện 4 chuyên đề và 8 đề án thực hiện thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Tác giả bài viết: Báo Bình Phước online

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây