Quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo của chi bộ

Thứ hai - 14/08/2023 19:41 6.508 0
Ngày 14/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1127-QĐ/TU về việc ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo của chi bộ. Bộ quy trình sẽ giúp công tác kiểm tra, giám sát của các loại hình chi bộ trong toàn Đảng bộ Tỉnh thực hiện nội dung quy trình đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp và đúng nguyên tắc, thủ tục quy định của Đảng. Quy định rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên trong các bước thực hiện quy trình.
Đảng bộ tỉnh Bình Phước hiện có 39.049 đảng viên sinh hoạt tại 747 tổ chức cơ sở đảng, trong đó: 486 chi bộ cơ sở và 261 đảng bộ cơ sở với 2.406 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Hiện nay các chi bộ trong Đảng bộ tỉnh đang thực hiện theo quy trình do cấp huyện và tương đương ban hành nên chưa có bộ quy trình chuẩn  riêng để các chi bộ thực hiện thống nhất; trong khi chi bộ là cấp đầu tiên, là chủ thể kiểm tra, giám sát đối với mọi đảng viên trong chi bộ nhưng công tác kiểm tra, giám sát của các chi bộ còn thực hiện chưa đồng bộ, việc tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng có nơi chưa đảm bảo quy trình, nguyên tắc, thủ tục quy định; do đó công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ chưa thật sự mang lại hiệu quả góp phần làm tốt công tác quản lý, giáo dục đảng viên, ngăn ngừa vi phạm ngay từ cơ sở. Nguyên nhân của tình trạng này là do: nhận thức của đảng viên trong chi bộ, đối với các chi bộ chỉ có cấp ủy viên hoặc đảng viên được phân công phụ trách công tác kiểm tra; đối với chi bộ hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp… các đồng chí làm việc ở các cơ quan hầu như dành thời gian cho công tác chuyên môn, không có thời gian nghiên cứu các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; các đồng chí ở thôn, ấp, khu phố,… đảng viên đa số lớn tuổi và không có nhiều điều kiện nghiên cứu quy định trong khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng phải vận dụng nhiều văn bản nên thực tế việc áp dụng có lúc, có nơi chưa đảm bảo theo quy định.

Do đó, ngày 14/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1127-QĐ/TU về việc ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo của chi bộ. Bộ quy trình sẽ giúp công tác kiểm tra, giám sát của các loại hình chi bộ trong toàn Đảng bộ Tỉnh thực hiện nội dung quy trình đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp và đúng nguyên tắc, thủ tục quy định của Đảng. Quy định rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên trong các bước thực hiện quy trình.

Về bố cục quy trình: Các quy trình xây dựng dựa trên cơ sở bố cục gồm 03 bước (chuẩn bị, tiến hành và kết thúc) theo Quyết định số 89-QĐ/TW. Tuy nhiên, do chi bộ là chủ thể kiểm tra, giám sát, đồng thời là tổ chức đảng quản lý trực tiếp đối tượng kiểm tra, giám sát do đó trong các quy trình của chi bộ rút ngắn hơn các quy trình khác vì chỉ có 01 hội nghị chi bộ ở bước kết thúc (quy trình của các cấp thì bước chi bộ tổ chức hội nghị nằm ở bước tiến hành). Quy trình gồm 3 bước có các nội dung cơ bản sau:

Bước chuẩn bị: yêu cầu chi bộ cần làm những gì để tiến hành một cuộc kiểm tra, giám sát (ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát hay quyết định thành lập tổ kiểm tra, giám sát; phân công nhiệm vụ).

Bước tiến hành: trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc kiểm tra, giám sát của Tổ kiểm tra, giám sát (triển khai quyết định, kế hoạch; tiến hành thẩm tra, xác minh; xây dựng báo cáo của Tổ kiểm tra; vv...)

Bước kết thúc: trình tự, thủ tục của chi bộ trong việc xem xét, quyết định (tổ chức hội nghị để thảo luận, kết luận; ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để kết luận vụ việc; lập, lưu hồ sơ theo quy định; phân công theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, giám sát).

Tại bước này, theo Quy định 22-QĐ/TW ngày 27/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương và Quyết định số 89-QĐ/TW ngày 01/12/2022 của Ban Bí thư quy định từ cấp trung ương đến cấp cơ sở, khi kết thúc cuộc kiểm tra, giám sát thì ban hành “Thông báo”, “kết luận” nội dung kiểm tra, giám sát để gửi đối tượng được kiểm tra, giám sát thực hiện và tổ chức đảng cấp trên để báo cáo nhưng theo Quyết định 66-QĐ/TW ngày 06/2/2017 của Ban Bí thư quy định về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng thì chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở không có thẩm quyền ban hành “thông báo”, “kết luận” do đó, phải trích biên bản hội nghị chi bộ phần kết luận đối với đảng viên được kiểm tra để đảng viên thực hiện và lưu hồ sơ; sau đó chi bộ xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo, thi hành kỷ luật đối với đảng viên để báo cáo cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên theo quy định.

Về nội dung quy trình:

Ban hành kèm theo Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gồm có 05 quy trình sau: Quy trình kiểm tra chấp hành đối với đảng viên (theo loại hình chi bộ); Quy trình giám sát chuyên đề đối với đảng viên; Quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên; Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên; Quy trình giải quyết tố cáo đối với đảng viên.

Căn cứ số lượng đảng viên của từng loại hình chi bộ và thực tiễn của nhiệm vụ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham xây dựng quy trình như sau:

+ Quy trình chi bộ kiểm tra chấp hành đối với đảng viên tách thành 02 (quy trình dành cho chi bộ không có chi ủy, số lượng đảng viên ít và quy trình dành cho chi bộ có chi ủy, chi bộ có trên 30 đảng viên và đảng viên hoạt động phân tán hoặc có nhiều tổ đảng trực thuộc), lý do:

- Quy trình áp dụng cho loại hình chi bộ không có chi ủy, số lượng đảng viên ít: không thành lập tổ kiểm tra, đầu năm Bí thư chi bộ dự thảo kế hoạch kiểm tra, giám sát nêu mục đích yêu cầu, nội dung, đối tượng, mốc thời gian, thời gian tiến hành, phương pháp tiến hành; thông qua hội nghị chi bộ thống nhất ban hành và thực hiện. Bí thư chịu trách nhiệm chính tham mưu cho chi bộ.

- Quy trình áp dụng cho loại hình chi bộ có chi ủy, chi bộ có trên 30 đảng viên và đảng viên hoạt động phân tán hoặc có nhiều tổ đảng trực thuộc: thành lập tổ kiểm tra. Tuy nhiên, để giản lược bớt thủ tục, chi bộ không phải ban hành quyết định, kế hoạch kèm theo mà kế hoạch kiểm tra, giám sát đầu năm xác định cụ thể việc thành lập tổ, phương pháp tiến hành và tổ kiểm tra chịu trách nhiệm trước chi ủy, chi bộ.

+ Quy trình giám sát chuyên đề: Theo quy định về thực hiện nhiệm vụ giám sát của chi bộ thì chi bộ chủ yếu thực hiện giám sát thường xuyên đối với đảng viên trong chi bộ, do đó xây dựng quy trình giám sát chuyên đề cho loại hình chi bộ có chi ủy, chi bộ có trên 30 đảng viên và đảng viên hoạt động phân tán hoặc có nhiều tổ đảng trực thuộc thì phải thành lập tổ giám sát. Kế hoạch kiểm tra, giám sát đầu năm xác định cụ thể việc thành lập tổ, phương pháp tiến hành và tổ giám sát chịu trách nhiệm trước chi ủy, chi bộ

+ Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật tách thành 02 trường hợp, lý do:

- Quy trình áp dụng cho trường hợp thực hiện theo kết luận kiểm tra (kiểm tra chấp hành, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo) của chi bộ và của cấp trên, thì không thành lập tổ; chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy) chịu trách nhiệm hướng dẫn đảng viên vi phạm và làm các thủ tục để chi bộ tiến hành đúng trình tự, thủ tục thi hành kỷ luật.

- Quy trình áp dụng cho trường hợp không theo kết luận kiểm tra (theo đề  nghị, kết luận của các cơ quan chức năng hoặc do chi bộ phát hiện nhưng chưa được cấp nào kiểm tra kết luận rõ nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm,…) thì bắt buộc phải thành lập tổ kiểm tra để thẩm tra, xác minh làm rõ trước khi chi bộ tiến hành kỷ luật. Nếu chi bộ không đủ điều kiện thành lập tổ kiểm tra thì phải báo cáo lên ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp để xem xét theo quy định.

+ Quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên; quy trình giải quyết tố cáo đối với đảng viên: là nội dung khó và rất quan trọng khi thực hiện, bắt buộc phải thành lập tổ kiểm tra; do đó, đối với loại hình chi bộ ít đảng viên không đủ điều thành lập tổ kiểm tra thì chi bộ báo cáo lên cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp để kiểm tra theo quy định. 

 Để chi bộ nắm rõ được các nội dung cơ bản khi tiến hành quy trình kiểm tra giám sát về đối tượng, nguyên tắc, thủ tục, mốc thời gian, thời gian tiến hành… ngoài các chú thích thì dưới mỗi quy trình nêu các lưu ý cơ bản để chi bộ tiến hành đảm bảo theo quy định.

Về mốc thời gian kiểm tra, giám sát: Chi bộ cơ sở không quá 05 năm gần nhất, đối với chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở trở xuống không quá 01 nhiệm kỳ gần nhất; mốc thời gian giám sát: chi bộ cơ sở không quá 03 năm, đối với chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở trở xuống không quá 01 nhiệm kỳ gần nhất.

Về thời gian tiến hành một cuộc kiểm tra, giám sát: Kiểm tra chấp hành và giám sát chuyên đề không quá 30 ngày; kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm Giải quyết tố cáo đối với đảng viên thực hiện đúng theo quy định của Trung ương. Trường hợp hết hạn thì gia hạn không quá 1/3 thời gian kiểm tra, giám sát.

Về số lượng thành viên khi lập tổ kiểm tra, giám sát: Số lượng người khi lập tổ từ 02 người trở lên.

Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang xây dựng bộ biểu mẫu văn bản nghiệp vụ kèm theo các quy trình trong Quyết định số 1127-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

                                                                      

Tác giả bài viết: Bích Liên (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây