Nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở huyện Chơn Thành

Thứ hai - 01/08/2016 03:44 1.617 0
Thực hiện Kế hoạch số 230-KH/TU, ngày 26/5/2015 của Tỉnh ủy Bình Phước về thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, ngày 17/7/2015 Huyện ủy Chơn Thành đã ban hành Kế hoạch số 135-KH/HU để thực hiện Chỉ thị.

Thực hiện Kế hoạch đó, Huyện ủy, UBND và các cơ quan liên quan đã quan tâm, chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức về các giá trị lịch sử, văn hóa, những quy định của pháp luật về việc quản lý và tổ chức lễ hội. Tuyên truyền để mọi người nêu cao vai trò, trách nhiệm của bản thân khi tham gia vào các hoạt động lễ hội đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, không tham gia đánh bài, đốt vàng mã, bói toán, lên đồng, các tệ nạn xã hội, giữ gìn và bảo vệ tượng thờ, đồ thờ tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội… góp phần đưa các hoạt động lễ hội vui tươi, an lành, tiết kiệm và văn minh. Hệ thống loa, truyền thanh đã phát sóng được 20 giờ với 164 tin, 21 bài và thực hiện được 33 chương trình thời sự liên quan đến các hoạt động lễ hội và công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức các buổi liên hoan “Làng vui chơi, làng ca hát”, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, thể dục, thể thao, các hoạt động chào mừng những ngày lễ lớn để lồng ghép tuyên truyền về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, về đại đoàn kết toàn dân tộc, các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian… tại các khu dân cư. Có 70/70 khu dân cư tổ chức các hoạt động lễ và hội, trong đó có 41 khu dân cư tổ chức đủ cả phần lễ và phần hội, 29 khu dân cư chỉ tổ chức phần lễ với tổng số người tham gia là 9.263 lượt. 

Hiện nay trên địa bàn huyện Chơn Thành có 05 lễ hội lớn hàng năm như: Lễ hội Phá Bàu, Lễ hội Kỳ Yên, Lễ hội Chol - Thnăm - Thmây, Lễ hội Sene Đolta, Lễ hội Ok om bok. Lễ hội Phá bàu là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng tại xã Quang Minh, được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm, thu hút trên 1.000 người dân tham gia. Lễ hội Kỳ Yên là lễ hội tín ngưỡng dân gian do ban quản lý Đình Thần Hưng Long tổ chức tháng 2 hàng năm, thu hút gần 2.000 người tham gia. Lễ hội Chol - Thnăm - Thmây là Lễ hội mừng năm mới của đồng bào dân tộc Khmer, tổ chức từ ngày 14 - 16/4 hàng năm. Đây là loại tín ngưỡng thờ cúng ông bà, cúng Phật, cầu một năm mới bình an, hạnh phúc và nhiều may mắn. Lễ hội Sene Đolta của đồng bào Khmer, tổ chức hàng năm vào ngày 29/8 đến ngày 01/9 âm lịch. Lễ Ok om bok - cúng trăng của đồng bào dân tộc Khmer, tổ chức vào đêm rằm tháng 10 âm lịch.

Việc giữ gìn, bảo vệ di tích, danh thắng trên địa bàn huyện luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên. Trong thời gian qua, Huyện đã xây dựng kế hoạch bảo tồn, trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Chơn Thành giai đoạn 2016 - 2020. Có 6 cơ sở được trùng tu, sửa chữa. Đình thần Hưng Long được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, việc giữ gìn, trùng tu luôn được quan tâm thực hiện, tạo cảnh quan môi trường đón du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Đình thần Hưng Long
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Chơn Thành vẫn còn một số hạn chế như: Cơ sở vật chất đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức lễ hội. Đa số Nhân dân có tâm lý chung luôn cho rằng công tác quản lý và tổ chức lễ hội là của chính quyền địa phương, nên trách nhiệm chưa cao. Các lễ hội chủ yếu của đồng bào dân tộc sinh sống ở các xã xa khu trung tâm, nên chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia…

Để nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới, Huyện ủy Chơn Thành đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở địa phương. Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, giá trị và ý nghĩa của các di tích trên địa bàn huyện. Chú trọng tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa, những quy định của pháp luật liên quan để nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giữ gìn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện. Huy động tối đa mọi nguồn lực của các cá nhân và tổ chức trong công tác xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả các hoạt động lễ hội trên địa bàn, đảm bảo giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, các sự kiện, các ngày lễ lớn trong năm đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục tập quán của địa phương.

Tác giả bài viết: Hoàng Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây