Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền: Phải chỉ đạo, điều hành tốt để đường dây nóng không còn “nóng”

Thứ ba - 31/05/2016 08:40 1.640 0
Sáng 31-5, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình và kết quả hoạt động đường dây nóng của Tỉnh ủy trong 3 tháng vừa qua. Các đồng chí: Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Trăm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã trả lời, xử lý phản ánh của người dân qua đường dây nóng; Bí thư các huyện, thị ủy.
3 tháng tiếp nhận 101 tin phản ánh
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, từ ngày 1-3 đến 30-5-2016, đường dây nóng của Tỉnh ủy tiếp nhận 101 tin phản ánh (đã phân loại). Đến ngày 31-5, Thường trực Tỉnh ủy đã nhận được kết quả giải quyết xong 72 tin phản ánh; 18 thông tin đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp nhận, xử lý và báo cáo tiến độ giải quyết (chưa có kết quả cuối cùng); 11 tin chưa có báo cáo, phản hồi việc xử lý.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Trong số 101 tin phản ánh, có 24 tin phản ánh vi phạm của cán bộ trong quản lý, điều hành và hành vi cá nhân; 31 tin phản ánh một số cấp, ngành chậm giải quyết các vụ việc của người dân; 11 tin phản ánh việc xả thải ô nhiễm môi trường; 14 tin có tính chất tố giác về đánh bạc qua hình thức đá gà, chơi bài, xả trộm chất thải ô nhiễm ra môi trường; 7 tin phản ánh thi công làm đường chậm, hoặc cản trở giao thông… Ngoài ra, còn 2 thư góp ý cho lãnh đạo tỉnh về những hạn chế, bất cập, đề xuất những giải pháp với nhiều nội dung trên các lĩnh vực.

Qua đánh giá của Tỉnh ủy, đa số người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành đã quan tâm chỉ đạo giải quyết trả lời người phản ánh. Một số tin đã giải quyết kịp thời, được người dân tin tưởng, phản hồi cảm ơn các cấp, ngành như: Phản ánh đề nghị sơn thêm gờ giảm tốc, làm lưới ngăn tại điểm đen tai nạn giao thông dốc Tà Bế (TX. Đồng Xoài); yêu cầu mở lối quay đầu xe theo quy định tại Trạm BOT đường ĐT 741 Đồng Xoài đi Phước Long; xử lý việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách chậm (Hớn Quản); xử lý liên quan đến việc bán thực phẩm chức năng (TX. Đồng Xoài)…
 
Còn hành chính hóa việc xử lý thông tin phản ánh

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị xử lý tin phản ánh của người dân còn mang tính hành chính, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy; chưa quan tâm chỉ đạo xử lý nhanh đối với thông tin phản ánh có tính chất tố giác sự việc đang diễn ra hoặc chậm giải quyết; giải quyết chưa hết các nội dung phản ánh hoặc giải quyết chưa thỏa đáng. Các tin phản ánh qua đường dây nóng phần lớn là những vấn đề liên quan đến quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước nhưng các cơ quan chuyên môn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo xử lý, giải quyết, đến nay vẫn chưa có kết quả phản hồi. Đa số những vụ việc xảy ra ở địa phương, nhưng người dân không phản ánh trực tiếp tại địa phương mà phản ánh qua đường dây nóng vì mong muốn cấp trên giải quyết nhanh.

Nguyên nhân là do một số người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành chưa thực sự quan tâm đúng mức, còn hành chính hóa việc xử lý thông tin phản ánh của người dân; chưa phát huy rõ vai trò lãnh đạo, giám sát của cấp ủy, trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc của thủ trưởng đơn vị trong việc giải quyết. Đồng thời, không quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện mà chỉ có văn bản chỉ đạo, chuyển tiếp cho cấp dưới xem xét, giải quyết.

          Kênh thông tin quan trọng
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc mở đường dây nóng của Tỉnh ủy là hết sức cần thiết. Đây là kênh thông tin quan trọng để Thường trực Tỉnh ủy lắng nghe và tiếp thu ý kiến nhân dân trên cơ sở chọn lọc.

17 ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều cho rằng, từ thông tin qua đường dây nóng, lãnh đạo tỉnh và các huyện, thị nắm rõ hơn tâm tư, nguyện vọng cũng như những bức xúc của người dân. Tuy nhiên, có những tin báo không thể giải quyết ngay, vì phải có chứng cứ pháp lý hoặc một số vụ việc đang nằm trong chuyên án điều tra của ngành chức năng. Đại tá Trần Thắng Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, hầu hết các nội dung phản ánh liên quan đến việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cấp xã. Vì vậy, cấp ủy, lãnh đạo các huyện, thị cần tăng cường kiểm tra việc giải quyết các vụ việc phát sinh ở cơ sở, không phải việc gì cũng để người dân phản ánh đến đường dây nóng.

Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lê Đức Xuân cho rằng, cần phân loại thông tin nào là “nóng”, thông tin nào là “nguội” để có lộ trình giải quyết. Không phải tin phản ánh nào cũng đúng, thậm chí có tin còn mang tính một chiều, suy diễn, tạo áp lực lớn cho chính quyền địa phương trong lãnh đạo, điều hành…

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Sau khi chất vấn và đề nghị lãnh đạo các sở, ngành chức năng làm rõ những ý kiến phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Việc mở đường dây nóng tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của nhân dân nhằm giúp cho Tỉnh ủy có những chủ trương chỉ đạo phù hợp, sát thực tế. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của kênh thông tin quan trọng này, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu bí thư huyện, thị ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành quan tâm, lắng nghe ý kiến phản ánh và chỉ đạo, giải quyết nhanh chóng, khắc phục triệt để, không hành chính hóa những vấn đề người dân phản ánh. Phải chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt để đường dây nóng của Tỉnh ủy không còn “nóng” nữa.

Tác giả bài viết: Hoàng Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây