Một trong những dấu ấn rõ nét của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với Bình Phước chính là chấp thuận chủ trương để Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam giao lại cho tỉnh 3.296 ha đất để phát triển công nghiệp và bố trí dân cư. Nhờ sự quan tâm kịp thời đó mà hiện nay Bình Phước đã có 8 khu công nghiệp hoạt động với diện tích 1.191 ha.
Theo các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, mỗi lần đến Bình Phước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn nhấn mạnh, tỉnh cần có cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi thu hút mạnh các nguồn đầu tư, đặc biệt là của nước ngoài.
Đối với ngành nông nghiệp, để duy trì mức tăng trưởng cao, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng lưu ý tỉnh xây dựng các vùng cây chuyên canh như cao su, điều, tiêu cần gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị của sản phẩm, đồng thời phải nâng cao hiệu quả của kinh tế rừng. Những chỉ đạo của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho đến hôm nay vẫn còn mang tính thời sự.
Không chỉ để lại nhiều dấu ấn trong lãnh đạo điều hành đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn là một con người bình dân, giản dị và gần gũi với người dân cũng như khi tiếp xúc làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành.
Kể về sự bình dị của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Võ Văn Chương, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, khi ông đại diện cho cựu học sinh miền Nam của tỉnh Bình Phước và Đắk Lắk ra thăm Hà Nội, ông được tiếp đón rất nhiệt tình. Tấm hình mà chụp cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trước buổi gặp mặt được ông gìn giữ cẩn trọng hơn 10 năm nay. Với ông, đó là một kỷ niệm không thể phai mờ về một vị Thủ tướng Chính phủ kỹ trị và nhân trị.
Có thể nói, dù thời gian đến làm việc và lưu lại mảnh đất Bình Phước không nhiều, song thành quả từ những chỉ đạo của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với Bình Phước hôm nay là rất lớn. Và lớn hơn cả, bao trùm hơn cả là sự gần gũi, sẻ chia, quan tâm đến địa phương khó khăn như Bình Phước, để rồi các thế hệ lãnh đạo tiếp nối không ngừng phát huy đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.