Nét đẹp của con người Việt Nam trong Tương thân, tương ái

Thứ bảy - 14/09/2024 10:30 3.338 0
Cuộc sống có rất nhiều điều quý giá như sức khỏe, thời gian… nhưng có một giá trị cũng rất quý và không thể thiếu, đó là lòng tốt. Mỗi câu chuyện lá lành đùm lá rách, giúp đỡ người gặp hoạn nạn… nhắc nhở chúng ta rằng lòng tốt vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống, truyền cảm hứng trong cộng đồng và tạo ra sự đoàn kết, tình yêu thương giữa con người và con người.
Mái ấm tình thương, có thể nói đó là nơi tràn đầy tình yêu thương và lòng nhân ái với những con người sẵn sàng dang đôi tay ôm lấy những con người bất hạnh trên cuộc đời này. Nó là một ngôi nhà với tràn đầy tình yêu thương của những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vì một lý do nào đó mà họ không may rơi vào tình trạng thiếu thốn mà bản thân họ không có khả năng phát triển kinh tế để lo toan cho cuộc sống thường nhật của mình, mặc dù họ có nhiều cố gắn để vươn lên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đây là câu nói bất hữu của Bác, đã thắm sâu vào huyết mạch của con người Việt Nam, dù ở nơi đâu, cương vị nào cũng luôn hướng về cội nguồn của dân tộc, đoàn kết thành một khối thống nhất. “Tương thân, tương ái” giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào.
 
Những hình ảnh cứu trợ người dân vùng lũ của các lực lượng và quần chúng nhân dân cả nước ( Nguồn ảnh Chinhphu.vn)

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, nói về những giải pháp chấn hưng văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc nâng cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết. Đó là truyền thống quý giá của dân tộc ta. Trong những giai đoạn đất nước trải qua khó khăn, biến cố như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…, tinh thần tương thân tương ái, sự đồng lòng của người dân Việt Nam được thể hiện đặc biệt rõ nét. Điều quan trọng là làm thế nào để luôn duy trì và phát huy tinh thần đoàn kết ấy, mang lại hiệu quả thực chất cho đất nước.

Hiện nay, trước sức tàn phá của cơn bão số 3 đi qua một số tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng… và mưa, lũ quét các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong lúc nguy khó, tất cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng lòng khắc phục với tinh thần không bỏ ai ở lại phía sau.

Không chỉ là những lời cầu chúc hay chia sẻ trên các trang mạng xã hội, mà rất nhiều hành động thiết thực kịp thời được đưa ra. Trong đó phải kể đến những thông báo hỗ trợ chỗ ở, nơi trú, tránh bão cho người lao động ngoại tỉnh, người vô gia cư hay lỡ độ đường, hoặc các gia đình sống ở khu vực thiếu an toàn...

Trong số đó là những gia đình có căn hộ chung cư nằm trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội) sẵn sàng dành căn hộ này cho khoảng chục người lao động đến trú nhờ trong thời gian Hà Nội chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3. Hay tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, có khách sạn cũng sẵn sàng tiếp đón người dân vào tránh bão. Tất cả những hành động dù nhỏ nhất đã cho thấy sự đoàn kết, thấm đẫm tình người cùng nhau vượt qua cơn bão.
 
 Bão số 3 đi qua, gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc

Rất nhiều những cử chỉ, hành động từ tấm lòng không kể hết, hình ảnh những chiếc xe ô-tô đi chậm dìu xe máy qua cầu Nhật Tân (Hà Nội) trong cuồng phong trưa 7/9. Và câu chuyện anh công an phường ở Yên Sở đến giúp người dân neo đơn, hay một bà cụ liêu xiêu dắt xe đạp qua cầu được một lái xe ô-tô chở cả người lẫn xe đưa về tận nhà cách 10 km...

Khi cơn bão số 3 đi qua, hay tin nhiều người dân tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, những “tiếng kêu cứu” xót xa trong những căn nhà ngập lụt, ngay trong tối 9/9, nhiều người sống ở khắp mọi miền đã cùng nhau lên đường, mang theo hành trang thực phẩm áo phao, áo mưa hỗ trợ người dân vùng ngập lụt tại Thái Nguyên, Yên Bái… Trong các hội nhóm Facebook, nhiều người cũng đăng bài viết nhận vận chuyển nhu yếu phẩm, áo phao, những vật dụng hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn miễn phí.

Không chỉ đoàn xe chắn gió cho người đi xe máy trên cầu, hay câu chuyện cho người lạ tránh bão trong căn hộ của gia đình, mà còn có rất nhiều hành động nghĩa tình trong hành trình ứng phó cơn bão số 3 đã gây xúc động mạnh. Những nghĩa cử cao đẹp nêu trên một lần nữa thể hiện rõ hơn tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, “lá lành đùm lá rách” là nét đẹp, sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.

Theo báo Tuổi trẻ,  ngày 10/9, GS.TS Lê Ngọc Thạch đã cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đến tòa soạn báo Tuổi trẻ gửi “chút yêu thươn” cho đồng bào miền Bắc. Ngày 11/9, GS.TS Lê Ngọc Thạch đã được Ngân hàng Sacombank hỗ trợ rút tiền tiết kiệm trước thời hạn nhưng vẫn giữ nguyên tiền lãi để gửi đến đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão lũ. 
 
GS.TS Lê Ngọc Thạch nhận tiền tiết kiệm tại ngân hàng Sacombank để gửi ủng hộ cho đồng bào khắc phục sau bão, lũ.
 
Con của GS.TS Lê Ngọc Thạch đang ở nước ngoài có biết việc ba mình gửi ủng hộ đồng bào miền Bắc số tiền lớn. Nhưng theo lời kể của ông, con ông hoàn toàn không phản đối mà ngược lại còn ủng hộ hết mình.

GS.TS Lê Ngọc Thạch chia sẻ thêm nhiều người lo lắng việc mình ủng hộ hết tiền tiết kiệm rồi sau này không còn đủ tiền chi tiêu tuổi già. Tuy nhiên, người đàn ông tuổi 76 nở nụ cười hiền lành giải thích: “Tiền lương hưu của tôi là dư xài rồi, còn con cái nữa mà. Với lại ở tuổi này đâu có xài gì nhiều”. Khi đề cập việc ủng hộ của ông đang tạo sự lan tỏa lớn, Giáo sư chỉ cười nói: “Hy vọng là như vậy… Vì 1 tỷ của tôi không lớn, nhưng nếu 1 tỷ này khơi dậy được tấm lòng nhân ái, lá lành đùm lá rách của người dân Việt Nam thì quý quá”.
 
Người dân miền Trung thức thâu đêm để gói bánh gửi ra miền Bắc.
 
Truyền thống sẻ chia, lá lành đùm lá rách, tình nghĩa đồng bào đã khơi dậy thiện tâm trong mỗi người Việt Nam để chung tay vượt qua hậu quả của bão lũ. Đặc biệt, trong những nguy nan, khó khăn nhất tình đồng bào luôn được khơi dậy, lan tỏa mạnh mẽ.

Thiên tai, bão lũ là hiện tượng tự nhiên không thể tránh khỏi. Mỗi năm, có đến hàng chục cơn bão đổ bộ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Những người dân cần cù, chịu khó, quanh năm vất vả làm lụng, nhưng chỉ một cơn bão lũ quét qua đã lấy đi tất cả. Số người thiệt mạng thương tâm, những mái nhà, hoa màu, vật nuôi... ngập chìm trong biển nước... là những hình ảnh khiến nhiều người xót xa.

Truyền thống sẻ chia, lá lành đùm lá rách, tình nghĩa đồng bào đã khơi dậy thiện tâm trong mỗi người Việt Nam để chung tay vượt qua hậu quả của bão lũ. Rất nhiều hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các cá nhân, tổ chức, tập thể, doanh nghiệp cùng rất nhiều tấm lòng nhân ái đã và đang trở thành làn sóng lan truyền rộng khắp cả nước.

Những nghĩa cử trong siêu bão Yagi như minh chứng cho sự đoàn kết, tình người luôn là điểm tựa vững chắc nhất, không chỉ góp phần sẻ chia mà còn tiếp thêm động lực, sức mạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn, bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Có thể nói, đây là những hành động, nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam với tinh thần “Nhường cơm sẻ áo” không hẳn phải là những người có tiềm lực kinh tế. Có thể là một người bình thường nhưng giàu lòng thương yêu, họ bỏ công sức ra huy động sự quan tâm chia sẻ của nhiều người khác để tạo cho những gia đình nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Tác giả bài viết: Trung Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây