Di sản văn hóa là tài sản quý báu mang đậm nét đặc trưng của quốc gia, của dân tộc. Di sản văn hóa là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần của nhân dân. Di sản văn hóa là sản phẩm vật chất và tinh thần gắn liền với cộng đồng dân cư, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Nó không ngừng được tái hiện và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hóa chính là nơi lưu giữ các nét đẹp truyền thống của các thế hệ cha ông, tạo tiền đề để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển. Đây là nền tảng, sức mạnh mềm để hội nhập, tiếp cận với những nền văn hóa trên thế giới mà không bị mất đi bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan. Sự đa dạng của di sản văn hóa đã góp phần làm nên sức sống và sự giàu có cho văn hóa nhân loại. Ngày nay di sản văn hóa còn là nguồn tài nguyên phong phú tạo ra các sản phẩm Du lịch văn hóa độc đáo và khác biệt cho các địa phương, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách.
Nhận thức sâu sắc những vấn đề trên, trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến nay toàn tỉnh đã có 47 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trong đó có 05 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh; Trên địa bàn tỉnh có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận đó là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, có 07 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 25 di sản phi vật thể được kiểm kê. Các bảo tàng trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, quản lý 15.360 hiện vật, đặc biệt trong đó có bảo vật quốc gia là bộ Đàn đá Lộc Hòa. Nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc được nghiên cứu, phục dựng: Lễ hội mừng lúa mới của người S’tiêng, Lễ hội phá bàu của người Khmer, Lễ hội kết bạn cộng đồng của người M’nông…
Quang cảnh lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện biên giới Lộc Ninh (Bình Phước). Ảnh: K GỬIH - TTXVN
Các di sản văn hóa Bình Phước được kiểm kê, được đưa vào danh mục đại diện di sản của nhân loại và danh mục di sản phi vật thể quốc gia là cơ sở pháp lý quan trọng, cũng là động lực để đẩy mạnh công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị di sản. Đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức và sự tham gia của cộng đồng đối với công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Di sản Văn hóa cũng là nguồn tài nguyên quý để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực trạng mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh hiện nay
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đang trở thành một thách thức lớn đối với nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bình Phước. Sự phát triển kinh tế - xã hội đôi khi gây áp lực lên việc bảo tồn di sản văn hóa, dẫn đến nguy cơ mất mát, biến dạng các giá trị văn hóa truyền thống và hình thành nên mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Mối quan hệ này nếu được giải quyết tốt sẽ tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển, nhưng nếu giải quyết không tốt sẽ dẫn đến tình trạng di sản văn hóa được bảo vệ nhưng không đóng góp được cho sự phát triển hoặc sự phát triển làm cho di sản văn hóa bị mai một.
Trong bối cảnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng có nhiều khó khăn, thách thức: Một số di tích lịch sử và kiến trúc đang bị xuống cấp do thiếu nguồn lực bảo dưỡng và sự xâm lấn của quá trình đô thị hóa; hoạt động phát triển kinh tế, nhất việc phát triển nông nghiệp, làm biến dạng, thay đổi môi trường cảnh quan của danh lam thắng cảnh.
Phụ nữ dân tộc S'tiêng ở Bình Phước gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: K GỬIH - TTXVN
Một số di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên, do không gian và môi trường văn hóa thay đổi; quá trình định canh, định cư, thay đổi cây trồng, vật nuôi, vật liệu, kiến trúc nhà ở… dẫn đến số lượng người thực hành di sản ngày một ít. Các tập tục, nghi lễ, phong tục tập quán tốt đẹp các dân tộc đang biến đổi, tinh thần cố kết cộng đồng cũng đứng trước thách thức. Bên cạnh đó, cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế cũng tác động lớn đến các loại hình di sản văn hóa. Khi nền kinh tế phát triển, hàng hóa phong phú và đa dạng luôn có sẵn trên thị trường, đã đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sự duy trì các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề rèn… Việc giữ gìn, kế tục, sử dụng và truyền dạy các di sản văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ của đội ngũ nghệ nhân gặp nhiều khó khăn do tuổi tác ngày càng cao, cách truyền đạt còn nhiều hạn chế, ít thực hành di sản trong thời gian dài. Thế hệ trẻ cũng ít tìm hiểu, kế thừa và tỏ ra thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
Bên cạnh đó, xu hướng khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản văn hóa, thương mại hóa di sản văn hóa hay hoành tráng hóa di sản văn hóa cũng đang làm ảnh hưởng nhất định đến yếu tố gốc, giá trị, bản chất của di sản văn hóa; hình thành những hiểu biết, nhận thức hoàn toàn sai lạc về di sản văn hóa.
Ngoài ra, việc bảo tồn tốt không có nghĩa là khư khư giữ nguyên di sản mà không biết khai thác, phát huy các giá trị của nó. Chúng ta sở hữu những di sản rất quý, đầy tiềm năng để khai thác phát huy, nhưng nếu vẫn trung thành với cách làm cũ, tư duy theo lối mòn, không năng động đổi mới thí khó khai thác được giá trị di sản.
Giải pháp thực hiện trên địa bàn tỉnh hiện nay
Để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đề xuất một số giải pháp trọng tâm cơ bản sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trước hết, cần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo của chính quyền địa phương. Nhất là tuyên truyền, định hướng về quan điểm, nguyên tắc bảo tồn và phát huy di sản. Cụ thể: Đối với các di sản văn hóa vật thể, phải ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản. Cố gắng lưu giữ và chuyển giao tính chính xác lịch sử của di sản cho các thế hệ tiếp theo; duy trì những chức năng truyền thống của di sản bên cạnh việc tạo lập những công năng mới. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, hoạt động bảo tồn và phát huy chính phải giữ gìn những vốn quý của văn hóa truyền thống, đồng thời thổi luồng sinh khí mới tiếp sức cho nó tồn tại trong cuộc sống đương đại. Như vậy, bảo vệ di sản chính là “giữ lửa và tiếp lửa” cho di sản.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng là chủ thể của di sản hoặc sống dựa vào di sản. Tăng cường phổ biến pháp luật, trang bị cho họ những hiểu biết, kiến thức về giá trị của di sản, các nguyên tắc ứng xử với di sản để góp phần khắc phục tình trạng thương mại hóa, hoành tráng hóa, thiêng hóa di sản. Đặc biệt để hướng tới phát triển bền vững, cần giáo dục ý thức và hành động ứng xử với môi trường, không xả rác bừa bãi, phá vỡ cảnh quan, xâm hại môi trường sinh thái.
Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa.
Trước hết, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi các văn bản quản lý, các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm. Cần có chế tài xử phạt phù hợp, nghiêm khắc, đủ sức răn đe để hạn chế các tái phạm.
Tuân thủ và thực hiện nghiêm các Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án, Dự án về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các dự án phát triển kinh tế cần phải được đánh giá kỹ lưỡng về tác động đến di sản và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kiểm kê, làm hồ sơ khoa học cho các di sản, làm căn cứ cho công tác bảo tồn và phát huy. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn và phát huy di sản. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, năng lực tốt về quản lý di sản văn hóa. Phân bổ hợp lý và quản lý tốt các nguồn lực đầu tư trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Ba là, phát huy vai trò của cộng đồng.
Phát huy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khuyến khích cộng đồng tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy di sản. Trao quyền cho cộng đồng trong quản lý di tích, danh thắng, tổ chức lễ hội, thực hành di sản văn hóa phi vật thể…
Cần đảm bảo các hoạt động kinh tế lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế và xã hội tới tất cả những người được hưởng lợi từ di sản, từ đó kích thích họ tự nguyện, tự giác bảo vệ di sản, tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng với di sản. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác nhau trong việc bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần tránh xu hướng “hành chính hóa”, “Nhà nước hóa” di sản, chính quyền “lấn sân”, làm thay người dân trong thực hành di sản. Việc làm này vô hình trung sẽ đẩy người dân rời xa bản chất của di sản và tách di sản ra khỏi môi trường sống đích thực của nó. Chỉ khi người dân có hiểu biết sâu sắc và có sự tham gia chủ động vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, thì khi đó hiệu quả mới bền vững, lâu dài.
Bốn là, tận dụng vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia, phản biện xã hội trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững đạt được hiệu quả cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội từ nhiều phía: nhà quản lý, cộng đồng, các cơ quan truyền thông, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản. Cần tranh thủ ý kiến đóng góp, tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản, nhất là đối với những trường hợp phức tạp, nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi.
Giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh không chỉ là nhiệm vụ của riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay một cơ quan, tổ chức nào, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng dân cư, chủ thể của di sản văn hóa. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hoàn thành được mục tiêu kép, đó là vừa bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa quý báu, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững nhất./.