Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Giang Thị Phương Hạnh, chủ nhiệm đề tài cho biết: Chủ trương của Đảng về mô hình nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã lần đầu tiên được ghi nhận tại Nghị quyết số 17 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Sau 5 năm triển khai, đến cuối năm 2007 cả nước có 16 quận, huyện thực hiện chủ trương này; 638 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, chiếm 5,7% tổng số xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Ban chủ nhiệm đề tài gồm: Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Giang Thị Phương Hạnh; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Việt Hùng; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú Lê Văn Trân chủ trì hội thảo
Tại Bình Phước, mô hình được triển khai từ năm 2009, đến năm 2018 toàn tỉnh có 6/11 huyện, thị xã, thành phố với 37/111 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã. Các cán bộ được giao nhiệm vụ "2 vai" đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại hội nghị tổng kết Đề án 999 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước cũng khẳng định, mô hình này có nhiều điểm ưu việt, tránh được tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Giang Thị Phương Hạnh, khó khăn lớn nhất của mô hình chính là vấn đề thời gian, khi các cán bộ được giao nhiệm vụ "2 vai” phải tham gia quá nhiều các cuộc họp. Về mặt cơ chế, dù Đảng ta đã có những quy chế, quy định cụ thể nhưng các nội dung liên quan đến quyền hạn, cũng như việc kiểm soát quyền lực của các cán bộ được giao trọng trách bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã đến nay vẫn chưa được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật, dẫn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Dù mô hình này đang tạm ngưng trong phạm vi cả nước, tuy nhiên chủ trương chung của trung ương thời gian gần đây sẽ đẩy mạnh sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trước mắt là sẽ sáp nhập một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Giang Thị Phương Hạnh, chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, ngoài 18 bài tham luận được trình bày trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận, chia sẻ bài học kinh nghiệm, cũng như những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện mô hình. Từ đó có những gợi mở quý giá bổ sung cho đề tài nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở tỉnh Bình Phước.
Để tăng cường kiểm soát quyền lực trong mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở Bình Phước cần thực hiện đồng thời 5 giải pháp cụ thể, một trong số đó là phải hoàn thiện cơ chế, chính sách. Tức là cần phải xây dựng, ban hành quy chế, quy định cụ thể, chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, trong đó quy định rõ trách nhiệm giải trình, báo cáo công việc trước cấp ủy, chính quyền cấp trên và trước nhân dân. Rà soát, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cấp ủy và chính quyền, giữa người đứng đầu cấp ủy với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở địa phương. Xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND với tập thể lãnh đạo UBND xã, bảo đảm sự phân công, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND xã trong việc giám sát hoạt động của UBND xã, nhất là việc thực hiện ngân sách, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách của cán bộ, công chức cấp xã, nhất là người đứng đầu. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, lạm dụng quyền lực, tham nhũng, tiêu cực...
Tiến sĩ Lê Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II
Qua thực tiễn triển khai mô hình nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã tại các địa phương trong cả nước, một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong việc triển khai thực hiện mô hình là phải nâng cao năng lực lãnh đạo cho các cán bộ đảm nhận vai trò bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã để đủ khả năng xử lý hiệu quả các nhiệm vụ phức tạp của cả hai vai trò.
Muốn vậy, các địa phương cần phải tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, cần thiết lập các khóa đào tạo về quản lý hành chính công, kỹ năng lãnh đạo và hiểu biết pháp luật cho các bí thư kiêm chủ tịch UBND xã. Các khóa học này cần trang bị kiến thức về quản lý và điều hành, giúp cán bộ hiểu rõ các nguyên tắc quản lý hiện đại, các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý và điều hành chính quyền.
Bên cạnh các lớp bồi dưỡng kiến thức lý thuyết, cần tổ chức các chương trình thực tập, trải nghiệm thực tế tại các địa phương hoặc các khu vực có mô hình tương tự. Điều này giúp các bí thư kiêm chủ tịch UBND xã có thể học hỏi kinh nghiệm quản lý, xử lý các tình huống khó khăn, phức tạp và ứng dụng các kỹ năng đã học vào thực tế. Ngoài ra cần tăng cường giáo dục về đạo đức công vụ nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để giảm nguy cơ lạm quyền và tăng cường tinh thần phục vụ cộng đồng.
Tiến sĩ Trần Thị Kim Ninh, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II
Việc lựa chọn cán bộ bố trí giữ chức bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã là khâu quan trọng nhất. Do đó, cấp có thẩm quyền cần phải sàng lọc, lựa chọn kỹ nhân sự có tâm, có tầm, có đủ năng lực, uy tín, hội tụ đủ các yếu tố, tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí giữ chức bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ và công khai, minh bạch trong các quy trình, quy định về công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và quy hoạch cán bộ. Xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai việc xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Bên cạnh đó, ủy ban kiểm tra cấp trên phải chủ động, tích cực kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, chức trách, quyền hạn của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã để kịp thời nhắc nhở, uốn nắn khi có biểu hiện lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực hoặc buông lỏng lãnh đạo, quản lý và nếu có vi phạm phải kiên quyết xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, ủy ban kiểm tra cấp dưới phải chủ động giám sát thường xuyên, nắm tình hình thực hiện chức trách, quyền hạn của người đứng đầu khi “nhất thể hóa” để kịp thời nhắc nhở hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Phó Vụ trưởng Vụ địa bàn VII, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Những góp ý, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bổ sung cho đề tài những luận cứ khoa học, làm rõ thực trạng và đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực đối với các mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý. Qua đó góp phần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình hiện nay.