Thực hiện đoàn kết và dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ ba - 17/09/2024 11:26 305 0
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người thiết kế lý luận và thực hành đoàn kết và dân chủ rộng rãi, nhuần nhuyễn nhất, mà còn là linh hồn, biểu tượng kiệt xuất của xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc xuyên suốt trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người, trở thành chiến lược cách mạng của Đảng và dân tộc, là nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu làm nên mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Cùng với đoàn kết, gắn liền với đoàn kết là dân chủ cũng luôn được Đảng và Nhà nước ta coi vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng Việt Nam. Đoàn kết thật sự mới có dân chủ và thực hành dân chủ là nền tảng vững chắc để xây dựng đoàn kết trong Đảng, là hạt nhân, động lực để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn kết thực sự mới có dân chủ thực sự

Trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn cho cán bộ trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng vào tháng 5/1957, Người cho rằng, đoàn kết là “điểm mẹ” rất quan trọng: “Bây giờ còn một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết. Nghiên cứu di sản của Người để lại cho thấy, có lúc Người dùng khái niệm “Đoàn kết”, “Toàn dân đoàn kết”, “Đại đoàn kết toàn dân”, “Đoàn kết dân tộc”, “Toàn dân tộc ta đoàn kết”, “Lực lượng đoàn kết”...

Tùy mỗi bối cảnh, cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng nội hàm của các khái niệm nói trên là thống nhất, tựu chung đều có nghĩa là đoàn kết đại đa số người dân trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đoàn kết” và “dân chủ” có mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ với nhau. Người có tinh thần đoàn kết thực sự luôn biết tôn trọng lợi ích của các thành viên khác trong tập thể; biết lắng nghe, hợp tác, giúp đỡ các thành viên khác; có tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến góp ý, phê bình từ các thành viên khác; biết vận động những thành viên khác lấy lợi ích của tập thể làm trung tâm; nhận thức rõ lợi ích cá nhân mình chỉ có được khi trở thành một phần hữu cơ trong lợi ích của tập thể. Như vậy, có thể thấy rõ, nếu mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo, có tinh thần đoàn kết thực sự thì mới tập hợp được quần chúng thành một tập thể gắn bó với nhau, trong đó quyền lợi của mỗi cá nhân đều được bảo đảm. Thực tiễn đã chứng minh, ở bất cứ quốc gia - dân tộc nào, nếu đảng cầm quyền biết tôn trọng và phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, hay nói cách khác dân chủ được thực thi, thì ở đó, có sự đồng thuận xã hội cao. Đây chính là biểu hiện đầy đủ nhất của sự đoàn kết.
 

Đại đoàn kết toàn dân tộc tạo thành sức mạnh to lớn đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi tới thắng lợi. Để làm được điều đó, Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam phải được “tổ chức một cách dân chủ. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi công việc của đảng đều được toàn thể các đảng viên, hoàn toàn bình quyền và không có ngoại lệ nào, tiến hành trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu; đồng thời tất cả những người có trách nhiệm trong đảng, tất cả các ban lãnh đạo của đảng, tất cả các cơ quan của đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn”. Thực hành dân chủ trong Đảng, từ Trung ương đến cơ sở là nền tảng vững chắc để xây dựng một Đảng đoàn kết, thống nhất, trở thành hạt nhân, động lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Tự phê bình và phê bình để đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng; là vũ khí sắc bén, thang thuốc “đặc hiệu” cần phải được nghiêm chỉnh tiến hành thường xuyên trong sinh hoạt đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng và đảng viên, thiết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong phần “Trước hết nói về Đảng” trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để có đoàn kết và dân chủ thực sự, trong Đảng phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình: “Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình... Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ... Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng tiến bộ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”.

Mỗi cán bộ, đảng viên khi thực hiện tự phê bình cũng như được góp ý phê bình phải dũng cảm nhận khuyết điểm và đề ra biện pháp sửa chữa khuyết điểm. Để thực tâm đoàn kết và thực hành dân chủ, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực tâm tự phê bình, “phải thật thà... có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm chút gì. Phải tìm cho ra vì sao mà sai lầm? Sai lầm ấy sẽ thế nào? Dùng cách gì mà sửa chữa? Và phải kiên quyết sửa chữa. Tự phê bình và sửa khuyết điểm có khi dễ, nhưng cũng có khi khó khăn, đau đớn, vì tự ái, vì thói quen hoặc vì nguyên nhân khác”. Một mặt, thực tâm tự phê bình là tự mình nêu lên những hạn chế, khuyết điểm của bản thân để đồng chí, đồng nghiệp giúp đỡ mình khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, đồng thời giúp cho người khác biết để tránh. Mặt khác, người có can đảm, thực tâm tự phê bình thì mới thực tâm, chân thành khi phê bình đồng chí, đồng nghiệp: “Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang... Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng””.
 
Chú thích: Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày diễn văn khai mạc Đại hội Đảng lần thứ III tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 5/9/1960. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh cũng từng chỉ rõ rằng, để đạt hiệu quả cao, người tự phê bình và bị phê bình phải thành khẩn, thành tâm, không giấu giếm khuyết điểm của mình; phải tự giác nhận và vạch ra khuyết điểm của mình trước tập thể; thái độ khi tiếp thu phê bình phải cầu thị, nhã nhặn, phải biết lắng nghe, thể hiện sự tiếp thu một cách thiện chí và quyết tâm sửa chữa. Đồng thời, khi bị phê bình, cần phải tránh bức xúc, mất bình tĩnh, phản ứng gay gắt dẫn đến to tiếng, có lời nói thiếu văn hóa, hoặc có thái độ thách thức, khiêu khích người đang phê bình mình; tránh hiện tượng có nhận khuyết điểm nhưng không tâm phục khẩu phục, nên nhận qua loa, đại khái, hời hợt; không quyết tâm sửa chữa, thậm chí vẫn tiếp tục mắc phải những khuyết điểm đó. Ngay cả đối với những ý kiến góp ý chưa đúng, mà cần giải trình, thì người bị phê bình cũng phải bình tĩnh, mềm dẻo và khiêm tốn… Còn người phê bình cần phải tránh động cơ vụ lợi, “giậu đổ bìm leo”, phê bình không đúng đắn vì những thành kiến cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, không thừa nhận thành tích nên lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm nhằm hạ uy tín, hạ bệ lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Để phê bình khách quan, khi phê bình người khác, cần phải luôn trung thực, công khai, “không đặt điều”, “không thêm bớt”; thông tin chính xác, thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý làm cho người được góp ý tâm phục, khẩu phục. Phải lựa chọn phương pháp phê bình thích hợp, tế nhị trong cả lời nói, giọng nói, cách nói; phát ngôn không đúng nơi, đúng chỗ, tránh kiểu ba phải, thành kiến, xu nịnh, dựa dẫm và đặc biệt là “thói đạo đức giả”; đồng thời, tránh dùng lời lẽ mỉa mai, chua cay, “đâm thọc”, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây ra tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình.

Chỉ có tinh thần đoàn kết thực sự thì mới có sự chân thành, xây dựng trong phê bình đồng chí mình và có thái độ thực sự cầu thị khi tiếp thu phê bình từ đồng chí, đồng nghiệp. Chỉ có môi trường dân chủ thực sự thì cán bộ, đảng viên mới thấy tự tin, yên tâm để góp ý, phê bình khuyết điểm của đồng chí, của cấp trên, đồng thời mới có sự tỉnh táo, bình tĩnh để nhận thức đúng đắn và chân thành đón nhận sự phê bình, góp ý để tiến bộ. Thực tế cho thấy, để tự phê bình và phê bình thực sự có hiệu quả, việc nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức có ý nghĩa quyết định. Người đứng đầu cần dũng cảm, quyết liệt tự soi xét, phê bình bản thân mình, từ công việc, đời sống cho đến trong các quan hệ gia đình, xã hội, không né tránh, không giấu giếm; cần khiêm tốn, cầu thị khi tự đánh giá bản thân; có thái độ nghiêm khắc với những thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế của bản thân mình. Chỉ khi người đứng đầu gương mẫu tự phê bình thì mới tạo ra được động lực để cả cơ quan, tổ chức tự phê bình một cách thực chất.

Đồng thời, người đứng đầu cũng cần nêu gương trong khi thực hiện phê bình đồng chí, cấp dưới của mình; phải xuất phát từ thực tâm mong muốn đồng chí mình tiến bộ, hoàn thiện hơn; đặc biệt, cần có phương pháp, cách thức phê bình sao cho người được phê bình thấy rõ được sai sót, khuyết điểm và quan trọng hơn là thấy mình trưởng thành hơn về nhận thức, qua đó có động lực khắc phục, sửa chữa sai sót để tiến bộ. Muốn nêu gương về phê bình, người đứng đầu cần phải thực tâm lắng nghe ý kiến nhận xét của quần chúng, đồng nghiệp và cấp dưới; từ đó, không chỉ thấy được khuyết điểm của mình để tìm ra biện pháp khắc phục, mà còn rút ra được những phương pháp, cách thức phê bình phù hợp, hiệu quả; vận dụng phương pháp phê bình hiệu quả để thực hành cho bản thân và phổ biến trong cơ quan, tổ chức cho đồng chí, đồng nghiệp cùng tham khảo. Tập thể lãnh đạo, người đứng đầu nêu gương tự phê bình và phê bình chính là hạt nhân, là động lực để xây dựng và phát huy được tinh thần đoàn kết, không khí dân chủ thực sự trong tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực tế gần 40 năm đổi mới đã chứng minh, kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng ngày Đảng ta càng xác định và định hướng rõ hơn vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, một trong những bài học kinh nghiệm đầu tiên được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng rút ra chính là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt và thực hiện “Lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy cho được quyền làm chủ của Nhân dân. Bởi lẽ chính Nhân dân là nền tảng của chế độ; ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của Nhân dân sẽ là nguồn gốc hình thành nên đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật.

Tác giả bài viết: Trung Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập164
  • Hôm nay20,492
  • Tháng hiện tại190,513
  • Tổng lượt truy cập23,761,544
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây