Người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, cũng cố và giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và dân tộc, coi đó là sinh mệnh, là vấn đề sống còn của Đảng, là nền tảng cho đại đoàn kết toàn dân tộc và là nhân tố tạo nên sức mạnh, quy luật tồn tại và trưởng thành của Đảng.
Vấn đề giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng được Chủ tich Hồ Chí Minh nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc và nhất quán trong suốt cuộc cả đời hoạt động cách mạng của mình từ những bài tuyên truyền cách mạng đầu tiên đến khi viết "Di chúc" để lại cho hậu thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của việc giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, dân tộc và quốc tế. Lời dạy của Người về công tác xây dựng Đảng là kim chỉ nam cho cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trung thành với lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa những giá trị tốt đẹp của truyền thống đoàn kết dân tộc, trong quá trình vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Phân tích toàn diện, sâu sắc tính tất yếu và tầm quan trọng đặc biệt của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người nhấn mạnh: "Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta".
Đại biểu dự Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt phấn khởi chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên Việt (tháng 3-1951). Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn kết, thống nhất, vững mạnh. Theo Người, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng là công việc phải tiến hành thường xuyên, chứ không phải là giải pháp tình thế; là yêu cầu tất yếu khách quan và không chỉ là cốt lõi của vấn đề đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng mà còn là của cả dân tộc và mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Bác khuyên các đồng chí trong Đảng phải thương yêu đoàn kết, nuôi dưỡng và phát triển tình đồng chí, nghĩa đồng bào, giữ gìn đạo đức cách mạng, chống các căn bệnh công thần, địa vị, hẹp hòi, cục bộ, kèn cựa... "Từ nay, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết. Chính sách thành công thì kháng chiến mới dễ thắng lợi"
Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải bắt đầu từ chi bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chi bộ tốt thì mọi công việc đều tốt”. Để giữ gìn, củng cố đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, cần tập trung vào công tác đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tình yêu thương đồng chí, tôn trọng lẫn nhau của cán bộ, đảng viên. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trước hết bắt nguồn từ sự hiểu biết và giác ngộ chính trị của mỗi đảng viên. Vì vậy, công tác tuyên truyền trong Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao trình độ nhận thức cho mỗi đảng viên, có như vậy mới tạo sự đoàn kết, thống nhất cao.
Người từng nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”. Thực hiện lời dạy của Người, một mặt, chi bộ phải thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, xây dựng tình cảm gắn bó giữa những cán bộ, đảng viên với nhau, cán bộ, đảng viên với quần chúng; mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên cần phấn đấu, rèn luyện trau dồi tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, xem đó vừa là một chuẩn mực đạo đức cách mạng, vừa là một nhân tố cơ bản để xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Chi bộ, chi ủy và đảng viên phải quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, phương pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; tiến hành tự phê bình và phê bình; chăm lo xây dựng chi ủy trong sạch, vững mạnh, bảo đảm là hạt nhân đoàn kết chi bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Quán triệt, học tập tư tưởng của Người, thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng càng phải được xem là một chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng. Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng càng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất; có như vậy thì hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân mới đoàn kết xung quanh Đảng. Đoàn kết của Đảng chính là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách.
Ngay từ khi mới thành lập cũng như trong các thời kỳ khác nhau của cách mạng, sự đoàn kết, thống nhất là vấn đề sống còn của cách mạng, là cơ sở để thống nhất giai cấp, là điều kiện để thống nhất toàn dân và đưa cách mạng đến thắng lợi, là một nguyên tắc cơ bản có vị trí hàng đầu trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Đồng thời, Đảng coi sự chia rẽ trong nội bộ Đảng là tội ác lớn nhất đối với Đảng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu trong việc thực hiện nguyên tắc đoàn kết, thống nhất. Từ khi mới ra đời, Đảng đã gắn bó với dân tộc, hòa mình cùng dân tộc, sinh tồn trong dân tộc. Tập hợp trong hàng ngũ của Đảng là những người xuất thân từ nhiều giai cấp và tầng lớp khác nhau, chủ yếu là công nhân và nông dân, nhưng đều chung lý tưởng, mục tiêu và lợi ích. Lý tưởng đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Mục tiêu đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lợi ích đó là phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, ngoài ra Đảng không có lợi ích riêng tư nào khác. Chính lý tưởng chung, mục tiêu chung và lợi ích chung là cơ sở của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đoàn kết, thống nhất thực sự là động lực chủ yếu của sự phát triển của Đảng. Thống nhất là cơ bản, các hình thức đấu tranh nội bộ mang tính chất xây dựng, góp phần quan trọng củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đoàn kết, thống nhất là một yêu cầu cơ bản, một nguyên tắc tổ chức và hoạt động quan trọng hàng đầu của Đảng, quyết định sức mạnh của Đảng, nhằm bảo đảm giành được những thắng lợi to lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sức mạnh to lớn của đoàn kết qua thực tiễn cách mạng nước ta: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”. Trong các tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới hàng trăm bài nói và bài viết về đoàn kết. Tư tưởng đoàn kết nổi bật của Người là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết là thắng lợi của chúng ta”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Phân tích toàn diện, sâu sắc tầm quan trọng của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta”. “Toàn Đảng, toàn dân đồng sức đồng lòng thì khó khăn gì cũng nhất định khắc phục được”. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng không phải là “đoàn kết một chiều”, “bằng mặt mà không bằng lòng”,... mà đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải là một chiến lược lâu dài, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam, đoàn kết phải trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, có lý, có tình, bằng tình cảm cách mạng trong sáng, tình thương yêu đồng chí, đồng bào.
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là mỗi đảng viên phải gương mẫu thực hiện nói đi đôi với làm, “đoàn kết không phải ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”. và nhờ vậy ““Cách mạng nhất định thành công” - Ta thành công chính vì ta đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng”.
Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đảng viên: “Muốn đoàn kết tốt thì phải phê bình, tự phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa”, đó là cách tốt nhất để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Tự phê bình và phê bình không chỉ là công việc nhất thời khi cần mới thực hiện mà phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong công tác, sinh hoạt hằng ngày ở mọi cấp bộ đảng và đối với mọi đảng viên. Đảng viên ở cương vị lãnh đạo, giữ chức vụ càng quan trọng càng phải gương mẫu và thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình một cách trung thực, phải biết lắng nghe sự phê bình thẳng thắn của cấp dưới, của đảng viên, của quần chúng nhân dân để khắc phục, sửa chữa những sai lầm, thiếu sót. Vì tầm quan trọng của vấn đề này, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành riêng phần thứ nhất nói về “phê bình và sửa chữa”, trong đó Người nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Người nêu rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” và Người cũng nhấn mạnh: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Để Đảng tiếp tục làm tròn sứ mệnh tiên phong của mình, nhất định phải thường xuyên, hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt vấn đề tự phê bình và phê bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Tự phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”, là sẵn sàng thừa nhận trước mọi người những khuyết điểm của mình để bản thân cũng như mọi người tìm cách sửa chữa. Còn phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình”; là tham gia góp ý kiến và nêu cách thức để sửa chữa khuyết điểm. Từ đó, cổ vũ đồng chí mình phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt, cùng nhau tìm ra biện pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế, sai lầm để cùng nhau ngày càng tiến bộ. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ. Chính là cách mỗi người tự đánh giá để vừa thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình, vừa tạo điều kiện để những người xung quanh đóng góp ý kiến, giúp bản thân sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình phát huy được tác dụng khi được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ nhất, do Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 21/12/2018. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bảo đảm công khai, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên, gắn với sửa chữa, biểu dương, khen thưởng thì mới phát huy được tác dụng. Công tác dân chủ là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng vừa nghiêm túc, vừa đạt hiệu quả cao. Trong tự phê bình và phê bình cần tránh tình trạng: sợ mất thành tích của tập thể, của lãnh đạo mà che giấu khuyết điểm, hoặc bao che, chạy tội cho đồng chí mình. Tình trạng tự phê bình và phê bình như vậy chẳng khác nào “cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”. Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”. Ý thức tự giác của mỗi đảng viên là yếu tố tạo nên niềm tin cho quần chúng nhân dân, sự đoàn kết thống nhất hình thành sức mạnh của Đảng. Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác là yêu cầu đối với mọi đảng viên và cũng là một nguyên tắc trong sinh hoạt đảng. Ngược lại, việc coi thường kỷ luật đảng, không tự giác chấp hành kỷ luật đảng sẽ làm suy yếu và tan rã Đảng.
Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là kim chỉ nam để Đảng ta xây dựng sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, phấn đấu đưa năng lực lãnh đạo của Đảng lên ngang tầm nhiệm vụ. Đại đoàn kết toàn dân tộc mà trước hết là sự đoàn kết nhất trí trong Đảng là sức mạnh và nguyên nhân của mọi thắng lợi của cách mạng nước ta từ khi có Đảng đến nay. Những quan điểm trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến hôm nay vẫn mang đầy đủ sức sống, có tính chiến đấu cao và vẫn giữ nguyên giá trị lý luận cũng như ý nghĩa thực tiễn thiết thực.
Để gìn giữ đoàn kết thống nhất trong Đảng và đoàn kết toàn dân tộc mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân nguyện phấn đấu thực hiện một cách tốt nhất cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần làm cho Đảng ta thực sự đoàn kết thống nhất, chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả, nâng cao niềm tin của Nhân dân với Đảng làm cho Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Đảng với dân một ý chí thống nhất tư tưởng và hành động. Điều trước hết và trên hết đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt hơn nữa những lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng và đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.