Bù Đăng: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc

Thứ bảy - 07/09/2024 19:48 367 0
Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững; tổ chức trưng bày, trình diễn, giới thiệu, truyền dạy các loại hình di sản đặc sắc; hình thành và định hình một số nội dung biểu diễn, vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu xã hội và mang tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ cao. Tất cả đã tạo nét văn hóa riêng, thể hiện sự phong phú, đa dạng đời sống văn hóa tinh thần các dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng.
Bù Đăng là huyện miền núi nằm phía Đông Bắc của tỉnh Bình Phước, là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh với hơn 1.500km²; có tuyến Quốc lộ 14 đi qua, nối liền vùng Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên. Huyện có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 01 thị trấn; dân số khoảng 146.000 người, gồm 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 40,44% dân số toàn huyện. Bù Đăng là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng, có truyền thống đoàn kết các dân tộc với nhiều loại hình văn hoá dân tộc đặc thù, mỗi một dân tộc mang một bản sắc văn hoá khác nhau. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện có ý nghĩa rất quan trọng.

Nghiên cứu những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc

Trong những năm qua, công tác phát triển văn hóa, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng quan tâm thực hiện và tạo điều kiện phát triển. Huyện đã triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa đối với vùng đồng bào DTTS, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/06/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”.
 
Quang cảnh buổi phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc S’tiêng. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Huyện đã tổ chức nghiên cứu những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, như: phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn nghiên cứu đề tài “Âm nhạc của người S’tiêng Bình Phước - khảo cứu, bảo tồn và phát triển”; đây là Đề tài cấp tỉnh được nghiệm thu, bàn giao và đã góp phần bảo tồn và phát triển âm nhạc S’tiêng trong thời gian qua. Phối hợp với Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, kiểm kê, lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa  - Thể thao và du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đối với: Tri thức dân gian, kỹ thuật nghề thủ công truyền thống; nghề làm rượu cần của người S’tiêng; kỹ thuật đan gùi của người S’tiêng; nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng; nghề dệt thổ cẩm của người M’nông; Lễ hội cầu bông của người Kinh; phối hợp tổ chức phục dựng Lễ hội truyền thống mừng lúa mới của người S’tiêng; Lễ kết bạn cộng đồng của người M’nông... Hiện nay, huyện đang phối hợp với Bảo tàng tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận nghề “giã gạo chày tay” của người M’nông và S’tiêng là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chú trọng sưu tầm hiện vật nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, huyện

Phòng VHTT tổ chức sưu tầm khoảng 300 hiện vật, tranh ảnh là những sản phẩm văn hóa của người S’tiêng, M’nông và tổ chức trưng bày tại Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng sók Bom Bo; tổ chức 04 liên hoan văn hóa các Dân tộc thiểu số với khoảng 300 tiết mục nghệ thuật dân tộc dân gian được nghiên cứu, dàn dựng và biểu biễn công phu. Chỉ đạo Phòng VHTT phối hợp với Đài Truyền hình VTV1, VTV5, VTV9, BPTV, Truyền hình Vĩnh Long, Truyền hình Đồng Tháp xây dựng 14 phóng sự dài, phim tư liệu về truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Từ đó, đã có hàng trăm bài viết trên các báo điện tử và báo in, tạp chí, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình và báo Bình Phước về văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã thành lập 10 đội biểu diễn cồng chiêng, đội biểu diễn nghệ thuật dân gian, đã tổ chức cho các đội biểu diễn gần 200 lượt, phục vụ hơn 200.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan tại Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng sók Bom Bo.
 
 Đội múa hát cồng chiêng thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng thường xuyên luyện tập để bảo tồn, gìn giữ văn hóa của đồng bào M’nông
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Thị Diệu Hiền cho biết: Thời gian qua, lĩnh vực đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Bù Đăng luôn được quan tâm bảo tồn. Huyện đã bảo tồn, lưu giữ và phát triển nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, kỹ thuật chế biến rượu cần, nghề dệt thổ cẩm, các lễ hội truyền thống lưu truyền qua nhiều thế hệ như Lễ hội Mừng lúa mới, Lễ hội Cầu bông… Nghị quyết phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Đảng bộ huyện đã đưa nội dung phát triển văn hóa là nòng cốt. Từ đó tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa, gìn giữ và bảo tồn văn hóa các dân tộc.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả; một số nét văn hóa truyền thống của các dân tộc có nguy cơ mai một đã và đang được phục hồi và phát huy giá trị; các chủ thể văn hóa đã có nhận thức tốt về nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản săc văn hóa tốt đẹp của mình; nhiều già làng, người có uy tín đã chủ động tổ chức truyền dạy lại cho thế hệ sau. Những công trình văn hóa được đầu tư để phục vụ công tác bảo tồn văn hóa ngày càng phát huy hiệu quả, tạo ra không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc; nhiều chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sók Bom Bo, không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa của người S’tiêng mà còn là nơi gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em lập nghiệp trên địa bàn huyện.

Những giải pháp trong thời gian tới

Xuất phát từ quan điểm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện là nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tư tưởng nhất quán, sự quan tâm đặc biệt của huyện đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Để công tác này đạt nhiều kết quả hơn nữa trong thời gian tới, huyện Bù Đăng đã đề ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan quản lý văn hoá các cấp với vai trò định hướng, tạo dựng nguồn lực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ hai, gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, dịch vụ trong sự phát triển hài hoà, bền vững của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển du lịch dựa trên ba loại hình gồm: du lịch nghỉ dưỡng giải trí; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng, dựa trên thế mạnh về văn hoá cộng đồng. Tập trung xây dựng Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sók Bom Bo trở thành điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn gắn với bảo tồn văn hóa lịch sử, tạo điểm nhấn và bước đột phá về phát triển du lịch của huyện.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hoá truyền thống; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho đồng bào các dân tộc bảo tồn, biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong xây dựng cuộc sống mới.

Thứ tư, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô tổ chức các lễ hội, khôi phục các làng nghề truyền thống, thành lập hợp tác xã làng nghề, bảo tồn và phát huy có trọng điểm các lễ hội truyền thống của dân tộc S’tiêng. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian, những người hiểu biết thông thạo các phong tục tập quán, dân ca, nghề truyền thống để truyền dạy nghề, truyền kỹ năng cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ.

Thứ năm, nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động và phát huy nội lực; tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội một cách đồng bộ theo Chương trình dự án 06 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
 

Tác giả bài viết: Hiền Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây