Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng không ngừng được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt độngTừ chỗ chỉ có 356 số đơn vị cơ sở có tổ chức cơ sở đảng, với gần 8.500 đảng viên năm tái lập tỉnh, đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 22 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, 840 tổ chức cơ sở đảng, gần 32.000 đảng viên, trong đó có gần 2.000 đảng viên từ 40 năm đến 65 năm tuổi Đảng.
Trong quá trình lãnh đạo, tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, công khai, không né tránh trách nhiệm. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ luôn được giữ vững. Trong mỗi giai đoạn, ngoài những nghị quyết lãnh đạo toàn diện, Tỉnh ủy còn ban hành những chương trình đột phá trên những lĩnh vực trọng tâm, cấp bách với tư tưởng chỉ đạo là phát triển nhanh, toàn diện theo hướng bền vững như: Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, quyết định một số cơ chế, chính sách tạo vốn, huy động vốn cho phát triển; tập trung chuẩn bị các điều kiện kinh tế hội nhập; tăng cường quan hệ đối ngoại với nước láng giềng Campuchia… Nhờ đó, từ một tỉnh nghèo với điểm xuất phát thấp, còn nhiều khó khăn, đến nay Bình Phước đã vững bước đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những thành tựu to lớn của quá trình 20 năm tái lập, xây dựng, phát triển và hội nhập đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo của Tỉnh ủy là nhân tố quyết định sự thắng lợi và phát triển của tỉnh, biểu hiện rõ nét bằng những chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy đều thể hiện rõ “ý Đảng - lòng dân”.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước khoá X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ra mắt đại hội
Đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng Các chương trình đột phá đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn 2005-2010 và 2010-2015 đã góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ thiếu cán bộ, cán bộ chưa đạt chuẩn của năm đầu tái lập tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 40.000 cán bộ, công chức, viên chức, với chất lượng ngày càng được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị.
20 năm qua, toàn tỉnh có gần 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; gần 21.000 lượt người được bồi dưỡng. Công tác quy hoạch đảm bảo các yêu cầu theo quy định, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có phẩm chất, năng lực theo tiêu chí đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cán bộ được điều động, luân chuyển, cán bộ trẻ được bổ nhiệm bảo đảm đúng chuẩn theo quy định, đã phát huy tốt năng lực, sở trường và bản lĩnh trong công tác, có uy tín với Nhân dân.
Khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và phát huy Là tỉnh có hơn 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc ở Bình Phước đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội..., nhưng Bình Phước chưa từng xảy ra tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị dân tộc. Sự đoàn kết thống nhất trong Nhân dân luôn được giữ vững và phát huy. Đây là thành công lớn nhất của công tác dân vận 20 năm qua.
Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận được nâng lên; đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ, tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận chính quyền được nhận thức rõ hơn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại với dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Các đơn vị lực lượng vũ trang bám sát địa bàn, giúp nhân dân phát triển kinh tế, vận động quần chúng giữ vững ổn định tình hình ngoại biên, biên giới và an ninh nội địa. Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới, nhiều điển hình “Dân vận khéo”, có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát những lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi và đời sống Nhân dân được thực hiện tốt.
Việc học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động làm theoKết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thể hiện cụ thể bằng những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng hệ thống chính trị ở nhiều cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm gương mẫu đi đầu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được nâng cao hơn. Nhiều vấn đề tiêu cực, tồn đọng gây bức xúc trong dư luận đã từng bước được giải quyết, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tỉnh đã có 543 tập thể và 829 cá nhân được biểu dương, khen thưởng từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, với rất nhiều mô hình mới, cách làm hay có tác dụng động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân làm theo.
Hiện nay, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ gắn với chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của cấp ủy và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác nhận giấy khen của UBND huyện Bù Đốp
Cải cách hành chính được đẩy mạnh theo tinh thần phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp Những ngày mới tái lập tỉnh còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, công chức thiếu nhưng chính quyền các cấp đã tập trung quản lý, điều hành, ban hành các văn bản hành chính đúng luật, tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước các cấp từng bước sắp xếp, bố trí, đào tạo theo quy hoạch.
Đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, tư pháp và tổ chức bộ máy. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện đúng các quy định về cải cách thủ tục hành chính. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính áp dụng tại cấp huyện, cấp xã và của các sở, ban, ngành tỉnh, trong đó, tổng thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh là 1.420 thủ tục, cấp huyện 332 thủ tục, cấp xã 112 thủ tục. Các cuộc họp, hội nghị đã được bố trí hợp lý hơn, lãnh đạo tỉnh dành nhiều thời gian hơn để đi cơ sở.
Cải cách hành chính trong Đảng được chú trọng, đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, giải quyết khiếu nại kỷ luật của Đảng; quy định phân cấp quản lý cán bộ; quy trình ban hành các văn bản chỉ đạo của cấp ủy; quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, đoàn thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy. Đến nay, tổ chức, bộ máy các cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện được củng cố, kiện toàn, tạo sự thống nhất, đồng bộ. Các quy trình, thủ tục trong Đảng được công khai, minh bạch, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Công tác xây dựng văn bản của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy từng bước được nâng cao chất lượng.
Các cá nhân, tập thể xuất sắc được UBND tỉnh bằng khen tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 1 (2011 - 2015).