Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí trong Bộ Chính trị và các ban đảng Trung ương.
Tại điểm cầu Bình Phước, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy; trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; bí thư các huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tham dự hội nghị.
Xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải luôn đi đôi với nhau Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành 3 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 04-NQ/TW về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nghị quyết Trung ương 4 rất quan trọng vì đã cụ thể hóa một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và nằm trong chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đồng tình, đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả thực hiện nghị quyết.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả nghị quyết, tránh thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc và “chờ dịp” để phán xét người khác… Song song đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo niềm tin cho nhân dân. Khẳng định vai trò của Đảng rất quan trọng với nhân dân, đất nước và quốc tế. Nhưng chúng ta công khai thực hiện nghị quyết chứ cũng không “đóng cửa” để chỉnh đốn Đảng. Trung ương và địa phương đều cùng nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tạo chuyển biến rõ rệt tình hình xây dựng và chỉnh đốn Đảng chứ không nói chung chung, có kỷ cương, kỷ luật rõ ràng. Đồng thời cần phát huy vai trò báo chí và công luận; quán triệt nghị quyết ở địa phương, đơn vị mình; có sự kiểm tra, giám sát, vai trò nhân dân và các hội, đoàn thể, Ủy ban MTTQ các cấp…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các đồng chí tham dự hội nghị ở Trung ương cũng như các điểm cầu tỉnh, thành phố cần nắm vững nội dung cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Trong đó chú trọng 4 nhóm giải pháp nhằm đẩy lùi suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống; xây dựng đạo đức, lối sống gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII Quán triệt nội dung nghị quyết và kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chỉ ra lý do phải tiếp tục ban hành nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo đồng chí Phạm Mính Chính, chỉ tính từ Đại hội VI của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 10 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 7 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Gần đây nhất, Đại hội XII của Đảng đã tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), trong đó đã có nhiều công sức và trí tuệ cho tổng kết về xây dựng Đảng. Phần về xây dựng Đảng thể hiện trong 39 trang, chiếm tỷ lệ 24%, nhiều nhất trong báo cáo chính trị của đại hội. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm đã có 2 nhiệm vụ với 3 chủ đề lớn về xây dựng Đảng mà từ trước tới nay chưa có đại hội nào xác định trọng tâm cụ thể, đầy đủ như vậy.
Nghị quyết cũng xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhất là đề ra 4 nhóm giải pháp đồng bộ, chính diện, quyết liệt. Trong đó có giải pháp, cơ chế làm ngay, có giải pháp kiên trì triển khai lâu dài, có giải pháp cấp bách, có giải pháp mang tính đột phá.
Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt nghị quyết và kế hoạch thực hiện để lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung cơ bản của nghị quyết; nắm vững những quan điểm chỉ đạo, những công việc cần triển khai trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động; đề cao trách nhiệm, gương mẫu, tự giác thể hiện và chỉ đạo thực hiện nghị quyết có hiệu quả.