Công tác lãnh, chỉ đạo về công tác dân vận của các cấp ủy đã có nhiều đổi mới; quan tâm đến củng cố xây dựng hệ thống dân vận, Mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở, tổ dân vận thôn, ấp, khu phố; tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để khối vận cơ sở, tổ dân vận thôn, ấp, khu phố hoạt động. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án "Nâng cao năng lực, đổi mới hoạt động công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016 - 2020" và Kế hoạch số 36-KH/TU để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận. Đây là đề án về công tác dân vận đầu tiên mà Tỉnh ủy khóa X ban hành.
Trong năm 2016, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác dân vận, nổi bật là kế hoạch triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận chính quyền; kế hoạch về thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận. Chính quyền các cấp đã phối hợp tổ chức trên 1.000 cuộc họp để trao đổi với hệ thống dân vận, Mặt trận, đoàn thể các cấp. UBND các cấp tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội.
Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục có những đổi mới trong hoạt động, hướng về cơ sở, tổ chức các đợt tuyên truyền, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; tuyên truyền, vận động và giúp dân khắc phục hạn hán, thiên tai; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên 40 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 136 căn nhà đại đoàn kết. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 123 mô hình, điển hình trên các lĩnh vực và được nhân rộng thực hiện ở tất cả các ngành và 111 xã, phường, thị trấn. Các mô hình tiêu biểu như: Tiếng kẻng an ninh ở Bù Đốp, Đồng Xoài; Tổ thu gom rác thải ở thị xã Bình Long, Hớn Quản, Bù Đăng; Tổ hội ngành nghề sản xuất điều; các mô hình kinh tế nuôi gà vườn, nuôi nhím, hươu nai; Mô hình hợp tác xã kiểu mới... Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp tiền của làm đường giao thông, nhà văn hóa... trị giá hàng chục tỷ đồng.
Bộ đội Biên phòng Bình Phước giúp đồng bào Khơ me xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh thu hoạch lúa mùa Ảnh: B.P Công tác dân tộc, tôn giáo cũng đạt nhiều kết quả. Các chính sách dân tộc tiếp tục được thực hiện, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên. Hệ thống dân vận đã tích cực vận động chức sắc, tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Tuy nhiên, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên vẫn chưa thực sự coi trọng công tác dân vận, còn xem đó là nhiệm vụ của dân vận, Mặt trận, đoàn thể. Có cán bộ trực tiếp giải quyết công việc của dân có thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiều, gây phiền hà cho dân. Kinh phí hỗ trợ hoạt động của khối vận, tổ dân vận chưa tương xứng với nhiệm vụ cần làm, nên không thể động viên, khích lệ cán bộ dân vận cơ sở an tâm và gắn bó với công việc.
Để làm tốt công tác dân vận trong thời gian tới, cần tăng cường và đổi mới sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống dân vận các cấp, các ngành, để công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có sự chuyển biến tích cực, đồng bộ. Tăng cường đẩy mạnh hơn nữa và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động trong nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các phong trào thi đua, trong giám sát, phản biện xã hội.