Thảo luận tại tổ 19 gồm các tỉnh Bình Phước, Sóc Trăng và TP. Hải Phòng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu phân theo nhóm nội dung các dự án luật để các dự án luật sau khi ban hành được thực hiện thuận tiện, đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Lợi cũng đề nghị cần có quy định chế độ trách nhiệm đối với các trường hợp không đáp ứng thời gian trình dự án luật theo quy định để việc trình dự án luật đúng kế hoạch.
Đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, bộ, ngành cần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản chi tiết các luật đã được Quốc hội thông qua để luật thực sự đi vào cuộc sống. Hiện nay, ngoài tình trạng nợ đọng văn bản thì vẫn còn sự trùng lặp một số quy định trong các thông tư, nghị định, do vậy cần phải rà soát, tích hợp lại trong một số ít văn bản để dễ thực hiện. Đại biểu Lượng nêu ra một thực tế là một điều luật song có hơn 10 văn bản dưới luật dẫn đến không biết áp dụng theo văn bản nào mới đúng.
Đại biểu Phan Viết Lượng phát biểu tại phiên thảo luận
Về hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, quy trình, thủ tục lựa chọn nội dung chương trình giám sát của nhiệm kỳ này rất bài bản, rõ ràng, đảm bảo tính khoa học và dân chủ. Nội dung giám sát theo kịp những vấn đề mà cử tri bức xúc, quan tâm, góp phần thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như công tác xây dựng luật pháp ngày càng tốt hơn. Tuy vậy, những hạn chế, tồn tại của hoạt động giám sát vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đó là các kiến nghị giám sát vẫn còn chung chung, chưa chỉ rõ được trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật. Việc thực hiện những kiến nghị giám sát hầu như không bám sát, theo dõi đến cùng.
Đối với chương trình giám sát năm 2018, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, cần có sự gắn kết giữa chương trình xây dựng luật với giám sát. Thực tế lâu nay Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách đối với dân tộc miền núi, song các chính sách này nằm rải rác trong các văn bản dưới luật, rất phân tán và trùng lặp, có những quy định hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng khả năng tác động thúc đẩy sự phát triển tương đối nhỏ. Vì vậy, Chính phủ cần có sự tích hợp hoặc đánh giá lại việc thực hiện các quy định này, khi đó mới đảm bảo các mục tiêu hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để nâng cao chất lượng giám sát, đại biểu Phan Viết Lượng đồng tình với các quy định trong tờ trình, song đề nghị cần quan tâm đến việc điều phối giám sát để tránh sự trùng nhau ở các địa phương, tránh quá tải của các cơ quan. Không cần số lượng mà phải tập trung chất lượng và tái giám sát những vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận, như: Việc sử dụng đất của các nông lâm trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý đô thị…