Trong năm 2016, nhiều phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề được các cơ quan, đơn vị, địa phương, cụm, khối thi đua phát động như: Khối Nội chính với phong trào “Giữ gìn kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, chủ động sáng tạo, đoàn kết hợp tác”, “Vượt khó thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Khối Đảng có phong trào “Thi đua lao động giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao”, “Thi đua lao động giỏi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các tệ nạn xã hội”, “Phát hiện, tham mưu đề xuất, xử lý các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng”. Các hội, đoàn thể có phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội”; Mặt trận Tổ quốc tổ chức các “Tổ, nhóm nòng cốt”, “Câu lạc bộ pháp luật” nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Các huyện, thị xã với phong trào “Xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp”. Lực lượng vũ trang tỉnh với phong trào “Công an tỉnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương, rèn đức, luyện tài, sắc bén về nghề nghiệp, tận tụy phục vụ nhân dân”; đợt thi đua cao điểm “Ghi sâu lời Bác, quyết tâm giành 3 nhất”. Các công ty cao su với phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Thi đua tổ chức quản lý chăm sóc vườn cây”…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa và biểu trưng tuyên dương 20 công dân Bình Phước ưu tú tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh - Ảnh: H.Sơn
Phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2016, Bình Phước có 12/12 xã điểm về đích nông thôn mới; 15/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân số tiêu chí đạt là 12 tiêu chí, tăng 1,84 tiêu chí/xã so với năm 2015.
Hầu hết các cụm, khối thi đua đều tổ chức các hội thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ, qua đó tăng tình đoàn kết, tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đơn vị thành viên trong cụm, khối. Đặc biệt, khối thi đua các ngân hàng đã tổ chức đóng góp kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.
Trong năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã lựa chọn 20 công nhân lao động trực tiếp là các điển hình tiên tiến xuất sắc tiêu biểu trong lao động, sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tôn vinh; Hội Nông dân tỉnh lựa chọn 97 nông dân tiêu biểu xuất sắc đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen…
Từ việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập và ngày càng có nhiều điển hình là công nhân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gương người tốt, việc tốt trong nhân dân.
Nhằm quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp, UBND tỉnh yêu cầu việc xét khen thưởng phải phân định thành các nhóm đối tượng, trên cơ sở so sánh thành tích giữa các cá nhân có cùng chức trách nhiệm vụ được giao. Trong đó đối tượng cán bộ lãnh đạo, chủ chốt ở các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện, thị xã, doanh nghiệp (giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng) tỷ lệ khen thưởng không quá 30% trong tổng số cá nhân của đơn vị được đề nghị UBND tỉnh khen thưởng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ khen thưởng chuyên đề, đột xuất, tỷ lệ người lao động trực tiếp được khen thưởng có nhiều thay đổi. Trong năm khen thưởng thường xuyên cho cá nhân không phải là lãnh đạo chiếm tỷ lệ 80,71%, tăng 0,17% so với năm 2015 (80,54%); khen thưởng chuyên đề, đột xuất: cá nhân không phải là lãnh đạo chiếm tỷ lệ 75,71%, tăng 0,19% so với năm 2015. Cụ thể, cấp Nhà nước: 18 bà mẹ được tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; Huân chương Độc lập 8 cá nhân; Huân chương Lao động các hạng có 2 tập thể và 5 cá nhân; Cờ thi đua của Chính phủ 6 tập thể; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 11 tập thể và 53 cá nhân; Huân chương Kháng chiến các hạng 25 cá nhân; Huy chương Kháng chiến các loại 63 cá nhân. Về cấp tỉnh: UBND tỉnh tặng bằng khen cho 918 tập thể và 2.817 cá nhân (tỷ lệ người lao động chiếm 80,55%, lãnh đạo chiếm 19,45%); Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh 169 cá nhân (tỷ lệ người lao động chiếm 81,07%, lãnh đạo chiếm 18,03%); 22 tập thể lao động xuất sắc.