Nhạy bén trước diễn biến tình hình mới tại chiến trường, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn chiến trường miền Nam nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng, thay đổi cục diện cuộc chiến tranh ở miền Nam. Cuộc tiến công chiến lược này được tiến hành đồng thời trên ba hướng chiến lược: Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ với ba chiến dịch tiến công quy mô cấp quân đoàn, trong đó cuộc tiến công ở miền Đông Nam Bộ được mang mật danh Chiến dịch Nguyễn Huệ. Chiến dịch diễn ra trên không gian rộng bao gồm 4 tỉnh ở phía Bắc Sài Gòn: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương.
Trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Lộc Ninh, Bình Long, Bộ tư lệnh Miền xác định tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh và tiến công thị xã Bình Long là hai trận đánh then chốt. Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định: "Lấy hướng Đường 13 làm hướng tiến công chủ yếu, Đường 22 làm hướng thứ yếu". Trên hướng thứ yếu, khu vực từ Ngã ba Đường 17 lên Bắc Lộc Ninh, trong đó có cụm cứ điểm Lộc Ninh được chọn làm khu quyết chiến then chốt mở màn chiến dịch; từ Ngã ba Đường 17 xuống Bắc Chơn Thành, trong đó có thị xã Bình Long (còn gọi là thị xã An Lộc hay Hớn Quản) được chọn làm khu quyết chiến trung tâm của chiến dịch...
4 giờ ngày 1/4/1972, đơn vị C30B nổ súng tiến công vào đội hình phòng ngự của Chiến đoàn 49 tại Xa Mát - Bàu Dung và Bắc Thiện Ngôn. Cùng thời gian, các phân khu thuộc miền Đông Nam Bộ, bộ đội địa phương và dân quân du kích đồng loạt nổ súng đánh địch tại chỗ để phối hợp. Sau 4 ngày đêm mở chiến dịch, ta đã giành thắng lợi giòn dã trên hướng thứ yếu, tiêu diệt cụm cứ điểm tiền tiêu Xa Mát, đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 49, làm chủ từ Bắc Thiện Ngôn đến biên giới. Công tác chuẩn bị, kế hoạch tác chiến của trận đánh được thực hiện một cách chu đáo, chặt chẽ, tạo được khí thế và niềm tin tất thắng cho bộ đội trước giờ nổ súng. Đúng 5 giờ 30 phút, ngày 5/4/1972, pháo binh ta bắt đầu nổ súng tiến công vào cụm cứ điểm Lộc Ninh, phá huỷ một phần công sự, làm cho quân địch hoảng loạn. Sau 3 ngày vừa liên tục bắn phá vây hãm, tiến công; vừa tổ chức đánh địch ứng cứu, khi quân địch tháo chạy lọt vào trận địa chốt chặn của Trung đoàn 1, bộ đội đánh dồn địch xuống lòng suối Rong Can, chia cắt, tiêu diệt và bắt gọn, trong đó có viên đại tá Nguyễn Công Vĩnh - Chỉ huy Chiến đoàn. 21 giờ ngày 7/4/1972, bộ đội hoàn toàn làm chủ cụm cứ điểm chi khu Lộc Ninh.
Nhân dân Lộc Ninh tiễn đưa con em mình lên đường nhập quân chống Mỹ cứu nước
Trận then chốt đầu tiên của chiến dịch Nguyễn Huệ giành thắng lợi, Lộc Ninh được giải phóng hoàn toàn đã gây kinh hoàng cho quân đội Sài Gòn, Chiến đoàn 52 bỏ căn cứ Đồng Tâm tháo chạy về An Lộc đã bị Trung đoàn 209 chặn đánh tiêu diệt một số lớn tại cầu Cần Lê. Địch điều cả lính dù về tăng cường cho hướng này, Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa phải đưa lực lượng lên giữ An Lộc, hình thành tuyến ngăn chặn tiến công của ta. Lộc Ninh được giải phóng với dân số 25.000 người đã nhanh chóng được biến thành một trung tâm chính trị, quân sự, ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thắng lợi của trận tiến công Lộc Ninh đã làm sụp đổ toàn bộ khu vực phòng ngự tiền tiêu của địch ở Bắc đường 13, mở toang cánh cửa xuống phía Nam, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển. Việc chọn hướng tiến công trên khu vực Đường 13, đúng vào nơi hiểm yếu của địch là một sự lựa chọn sáng suốt và chính xác; vừa đúng với ý định và mục đích của chiến dịch; vừa gây bất ngờ cho địch.
Ngay khi trận Lộc Ninh đang diễn ra, Bộ tư lệnh Miền đã thống nhất ý định tiến công giải phóng thị xã Bình Long. 2 giờ 30 phút ngày 13/4/1972, quân Giải phóng nổ súng tiến công Bình Long. Do hiệp đồng giữa bộ binh và xe tăng thiếu chặt chẽ, thiếu hỏa lực phòng không bảo vệ nên kết quả đạt được không như kế hoạch ban đầu đề ra. Trên cơ sở phân tích tình hình chiến trường, ngày 15/5/1972, Bộ tư lệnh Miền chủ trương: “Bao vây cô lập Bình Long, dùng lực lượng mạnh đánh vận động, tiêu diệt địch trên Đường 13, tiêu diệt nhiều sinh lực địch để tạo thế cho chiến dịch được phát triển tốt hơn, đồng thời cơ động một bộ phận lực lượng xuống đồng bằng sông Cửu Long theo ý định của Bộ Chính trị”. Ngày 16/5/1972, mở màn đợt 2 chiến dịch, Sư đoàn 7 chủ lực Miền tiếp tục chốt chặn trên Đường 13, nhưng không phải tổ chức các trận tiến công mà mục tiêu là đẩy lùi và đánh bại mọi âm mưu hành động phản kích giải tỏa Đường 13 của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển, trên cơ sở giữ vững vùng giải phóng phía sau. Sư đoàn 7 đã dựng lên ở Đường 13 một “bức tường thép” trên một chiều dài hơn 10 km từ Nam thị xã Bình Long đến Bắc Chơn Thành, lấy khu vực Tàu Ô - Xóm Ruộng làm khu vực then chốt. Cuộc chiến ở đây diễn ra rất quyết liệt và kéo dài gần 4 tháng liền. Tàu Ô trở thành “cái bẫy” thu hút nhiều đơn vị chủ lực thiện chiến của địch; cái tên Tàu Ô thực sự là cơn ác mộng đối với nhiều chỉ huy sư đoàn, quân đoàn và cả bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trận đánh tiêu diệt Chiến đoàn 8 ngày 19/1/1973 đã kết thúc đợt 3, đồng thời cũng là tình huống cuối cùng của chiến dịch Nguyễn Huệ kéo dài ròng rã gần 10 tháng.
Thanh niên Bình Long làm nghĩa vụ dân công hỏa tuyến
Những trận đánh quyết liệt ở Lộc Ninh, Bình Long, Tàu Ô, Tân Khai... cho thấy tinh thần và khả năng chiến đấu kiên cường, mưu trí của bộ đội ta trong chiến dịch; đồng thời minh chứng cho sự chỉ huy hiệp đồng tác chiến chặt chẽ và hiệu quả giữa các binh chủng, chỉ đạo phối hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và quần chúng nhân dân ở vùng tạm bị chiếm. Lực lượng tại chỗ đã được huy động trong mọi tình huống chiến đấu để tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội chủ lực.
Thắng lợi của trận Lộc Ninh là thành công của nghệ thuật chuẩn bị cho một trận đánh then chốt; đập tan tuyến phòng thủ phía trước trên vòng cung phía Bắc Sài Gòn, dọc theo biên giới miền Đông Nam Bộ, đập tan chiến thuật phòng ngự cấp chiến đoàn của địch. Thắng lợi đó hòa nhịp với những thắng lợi ở các hướng chiến lược Quảng Trị, Tây Nguyên, đồng bằng khu V đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần bộ đội ta và làm suy giảm tinh thần binh lính địch. Tuy chưa dứt điểm được thị xã Bình Long và chịu một số tổn thất nhất định, nhưng chiến dịch đã đáp ứng được yêu cầu chiến lược đề ra là tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng một vùng chiến lược rộng lớn nối với vùng giải phóng Đông Bắc Campuchia, với Tây Nguyên và hậu phương miền Bắc.
Thắng lợi của 2 trận đánh then chốt Lộc Ninh đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở miền Đông Nam bộ; tạo ra thế và lực mới của ta trên chiến trường Nam bộ; uy hiếp trực tiếp đối với tuyến phòng thủ ven Sài Gòn, tạo điều kiện cho các địa phương của Nam bộ tiếp tục tiến công đánh phá bình định của địch. Thành công của hai trận đánh then chốt đó in đậm dấu ấn của quân và dân Bình Phước.