Năm 1960, phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam đã chuyển dần lên thành chiến tranh cách mạng. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để thay cho Xứ ủy Nam bộ cũ làm nhiệm vụ đại diện cho Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Dưới Trung ương Cục là hệ thống cơ quan quân sự từ cấp Miền trở xuống, đứng đầu là Ban quân sự Miền. Ngày 15/02/1961 Ban quân sự Miền chính thức được ra đời đóng ở chiến khu Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh.
Hội trường Bộ Chỉ huy Miền - Nơi phát lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 26/4/1975 - Ảnh: Tư liệu
Sau hiệp định Paris được ký kết (27/01/1973), quân đội Mỹ rút về nước, tình hình chuyển biến có lợi cho ta trên chiến trường miền Nam, để phù hợp với tình hình mới, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã thảo luận và quyết định di chuyển Bộ Chỉ huy Miền về sóc Tà Thiết đặt sở chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ, cơ quan tiền phương của Bộ Chỉ huy Miền.
Việc lựa chọn Tà Thiết là nơi đứng chân của Bộ Chỉ huy Miền, bởi Lộc Ninh và vùng giải phóng rộng lớn (huyện được hoàn toàn giải phóng đầu tiên của miền Nam, ngày 07/4/1972). Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, với những lợi thế là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận dự trữ sức người, sức của, có địa thế rừng rộng lớn, khí hậu ít khắc nghiệt, gây được yếu tố bất ngờ đối với địch.
42 năm về trước, chính nơi đây, đúng 19 giờ ngày 14/4/1975, tại Hội trường của Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền đã nhận được Bức điện 37TK do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký, đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Ngày 26/4/1975, Bộ Chỉ huy Miền đã phát đi lệnh Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết đã đi vào lịch sử của quân và dân ta trong cuộc trường chinh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Với nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với địa danh của tỉnh Bình Phước, năm 1988, Bộ Văn hóa, Thông tin đã công nhận di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích cấp quốc gia. Từ năm 1997 đến nay, di tích đã nhiều lần được tùng tu, sửa chữa. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg công nhận di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết) là di tích Quốc gia đặc biệt.
Nhằm tưởng nhớ công ơn của các thế hệ đi trước trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống cách mạng, năm 2014, Tỉnh ủy, UBND tỉnh bắt đầu triển khai thực hiện Dự án di tích lịch sử và du lịch sinh thái Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết đến ngày 23/3/2017, Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm 7 hạng mục: Nhà truyền thống, Nhà đón tiếp, Cổng chào, Khu Quảng trường, Hàng rào bảo vệ xung quanh khu vực dự án (đã hoàn thành 5.000m) với tổng 97 tỷ đồng. Dự kiến trong giai đoạn 2, dự án sẽ hoàn thành các hạng mục: Tường hàng rào vảo vệ khu di tích 3.000ha; Trùng tu, tái tạo cảnh quan 10 điểm di tích gốc (nhà các đồng chí: Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Văn Tưởng, Phạm Hùng, Nguyễn Thị Định…); hoàn chỉnh Khu di lịch sinh thái (trồng cây gỗ đỏ, giáng hướng, cẩm lai trước khu Quảng trường và Nhà tưởng niệm, tái tạo cảnh quan rừng 346ha); xây dựng Nhà khách quy mô 100 giường. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thiện các hạng mục còn lại.
Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bình Dương, Bình Phước thực hiện nghi lễ cắt băng khánh thành giai đoạn 1 Dự án Khu di tích Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết, ngày 23/3/2017 - Ảnh: Hồng Sơn
Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước; là điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu, du lịch, khám phá của đồng bào cả nước và khách thập phương.
Tà Thiết - nơi phát lệnh Tổng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn vọng mãi với thời gian.