Hàng năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã phối hợp tổ chức, tuyên truyền, vận động thực hiện công tác CSGD&BVTE, như: Tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng về CSGD&BVTE; tổ chức vui chơi, tặng quà vào các ngày lễ, Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung Thu, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở chuyên mục: “Vì trẻ em” phát sóng định kỳ mỗi tháng 2 lần với thời lượng 15phút/lần. Năm 2014, số người dân được tuyên truyền về công tác CSGD&BVTE là 365.000 lượt người, năm 2015 là 560.000 người, năm 2016 là 870.000 lượt người. Tỷ lệ người dân được tiếp cận các nội dung truyền thông và biết được những nội dung liên quan đến CSGD&BVTE cao (97%).
Xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã đạt và vượt chỉ tiêu. Năm 2016 đạt 95,49%, kế hoạch năm 2017 là 96,39%. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em đều đạt và vượt chỉ tiêu. Chỉ tiêu gia đình đạt chuẩn “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em” tăng theo từng năm.
Qua 5 năm, đã có hơn 16.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được khám phân loại và đã phối hợp với các tổ chức xã hội phẫu thuật, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tay, chân, sứt môi, hở hàm ếch, mắt, cấp xe lăn cho trẻ em có nhu cầu. Phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa của thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công trên 180 em bị bệnh tim bẩm sinh, hiện nay toàn bộ trẻ em mắc bệnh tim đều được tỉnh giúp đỡ phẫu thuật. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em năm 2015 là 96,51% vượt 1,51% so với chỉ tiêu theo kế hoạch của Tỉnh ủy. Công tác xã hội hóa nhằm phục vụ CSGD&BVTE thực hiện tốt. Đã tổ chức các đợt khám sàng lọc cho hơn 18.000 lượt trẻ em, phẫu thuật cho 315 trẻ em, với số tiền trên 12 tỷ đồng; trao hơn 1.400 suất học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; tặng quà cho cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí trên 45 tỷ đồng.
Lãnh đạo huyện Phú Riềng tặng quà cho thiếu nhi dịp Tết Trung Thu
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương chiếm tỷ lệ còn cao (năm 2015 là 2.814 em, năm 2016 là 2.837 em, năm 2017 là 3.500 trẻ em), tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn còn (năm 2015 là 32 em, năm 2016 là 31), số trẻ em bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích cao, nhất là đuối nước (năm 2015 là 26 em, năm 2016 là 34 em); tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật còn nhiều (năm 2015 là 406 em); số trẻ em mồ côi, khuyết tật, tàn tật vẫn gia tăng. Tình trạng trẻ em lao động sớm, trẻ lao động trong điều kiện nặng nhọc vẫn còn.
Để khắc phục những hạn chế này, đem lại cuộc sống tươi đẹp hơn cho trẻ em rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân trong thời gian tới. Chỉ thị số của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội”.