Ý kiến các đại biểu của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đánh giá đây là dự án Luật quan trọng, cần được nghiên cứu sâu thêm, có lý giải thuyết phục để có thể giải quyết một cách hợp lý các vấn đề vướng mắc của thực tiễn đang đặt ra.
Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo đó là được xin lỗi, cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng rất khó thực hiện trong thực tế, do đó ban soạn thảo phải tính toán để quy định cụ thể hơn.
Đồng tình với quy định xử lý nghiêm người tố cáo sai sự thật, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị cần quy định chặc chẽ hơn nội dung của điều 20 về các tố cáo không thụ lý giải quyết nhằm tránh tình trạng vụ việc đã giải quyết nhiều lần, không có thêm tình tiết mới vẫn tiếp tục tố cáo. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần trình thêm các hướng dẫn, nghị định chi tiết kèm theo khi bắt đầu giai đoạn cuối ra luật, tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định cao hơn luật...
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Luật cần quy định rõ cơ quan nào bảo vệ người bị tố cáo sai sự thật. Đối với đơn thư nặc danh, cần xem xét, kiểm tra người bị tố cáo ở mức độ như thế nào để phân tích, chuyển tới các cơ quan chức năng nếu không dễ bỏ lọt tội phạm. Về điểm dừng trong việc giải quyết đơn thư tố cáo, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh thì sau 2 lần giải quyết là phù hợp, còn ai giải quyết sai sẽ có chế tài khi thanh tra, kiểm tra.
Đại biểu Phan Viết Lượng và các thành viên trong đoàn Bình Phước
Nhất trí cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, tuy nhiên đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, cần bổ sung thêm, bên cạnh đó, nên rà soát lại các quyền khác của người tố cáo đã được thực hiện như thế nào. Đại biểu Lượng cũng đồng ý với quan điểm là dù ở hình thức tố cáo nào, trực tiếp hay gián tiếp cũng cần có hồ sơ, chứng cứ, địa chỉ rõ ràng. Về thời hạn giải quyết, theo đại biểu cần giảm chứ không nên kéo dài. Đối với trường hợp rút tố cáo theo đại biểu cần có điều kiện như khi không bổ sung được chứng cứ, phát sinh tình tiết mới. Khi rút tố cáo thì trách nhiệm của cơ quan giải quyết tố cáo vẫn còn, hay trách nhiệm của ai đó lợi dụng tố cáo để làm ảnh hưởng đến người khác vẫn phải có quy định để xử lý.
Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 72 điều, tăng thêm 8 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc Hội tháng 5/2017 và tăng thêm 22 điều so với Luật hiện hành./.