Trong những năm gần đây, bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là một trong những điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, tình trạng bất bình đẳng giới ở nước ta vẫn còn những tồn tại ở nhiều lĩnh vực và dưới các hình thức khác nhau. Khoảng cách về giới ở nhiều chỉ số còn rất lớn và có sự chệnh lệch giữa vùng, miền, dân tộc.
Việc triển khai luật, các chính sách về giới và bình đẳng giới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều bất cập do rào cản đan xen từ điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, ngôn ngữ, văn hóa. Thêm vào đó là những hạn chế, bất cập về mặt chính sách; việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách về bình đẳng giới ở cấp cơ sở.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng chỉ ra một thực tế là các chính sách về bình đẳng giới ở cấp quốc gia chưa đáp ứng được vấn đề giới ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), hầu hết các chỉ tiêu, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đều thấp và chênh lệch lớn so với trung bình cả nước.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang dẫn chứng những số liệu khảo sát cho thấy, 74% hộ DTTS do nam giới đứng tên độc lập về quyền sử dụng đất; phụ nữ và trẻ em gái người DTTS thường chịu sự phân biệt, đối xử kép – cả yếu tố giới và dân tộc. Trong tiếp cận thông tin còn đến 13,4% phụ nữ DTTS không được tiếp cận với bất cứ phương tiện thông tin nào và thực tế phụ nữ DTTS thiệt thòi hơn trong tiếp cận tri thức, giáo dục và đào tạo.
Dù Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ công chức cao và đã rất nỗ lực tăng tỷ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị. Như ở tỉnh Bình Phước trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng cấp tỉnh đạt 21,81%, cấp huyện đạt 15,24%, cấp xã 20,16% và báo cáo của Chính phủ cho thấy số nữ là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có tăng so với nhiệm kỳ trước, song theo đại biểu Sang vẫn chưa đạt yêu cầu so với chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ cán bộ, công chức nữ là người DTTS ở các cơ quan cấp xã vùng DTTS thống kê được là 11,4% trên tổng số 50% cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, nguyên nhân chủ yếu là do một số chính sách thiếu tính thực tiễn, các chính sách thực hiện chiến lược bình đẳng giới, cũng như chính sách thuộc công tác dân tộc chưa tách được đối tượng đặc thù là nữ DTTS. Trong quá trình triển khai thực hiện bình đẳng giới, vẫn còn thiếu sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan có trách nhiệm liên quan, cơ chế giám sát đối với các bộ, ngành vẫn còn lỏng lẻo, nhưng chưa có cơ chế thực hiện phân tích giới và lồng ghép giới như một quy trình bắt buộc, chưa giám sát và có chế tài thực thi…
Từ những phân tích thực trạng trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị báo cáo về bình đẳng giới cần bổ sung nội dung những bất bình đẳng giới trong vùng DTTS để từ đó có những chính sách đặc thù cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thực chất hơn trong cộng đồng các dân tộc, góp phần giảm khoảng cách về giới đối với các vùng miền và giữa các nhóm dân tộc trong cả nước.