Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, qua hơn mười năm thi hành, đến nay Luật TDTT đã bộc lộ một số bất cập so với tình hình thực tế hiện nay, như: Chính sách của nhà nước đối với phát triển TDTT quần chúng; trách nhiệm của bộ, ngành, nhà trường các cấp đối với công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; chính sách huy động các nguồn lực xã hội hóa hoạt động thể thao. Hiện nay, một số quy định của luật không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, việc sửa luật là rất cần thiết nhằm thúc đẩy TDTT nước ta phát triển cũng như đảm bảo các chế độ về dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, rủi ro nghề nghiệp cho các vận động viên tham gia.
Nêu ra một thực tế là thể thao thành tích cao thời gian qua chưa có sự đầu tư tập trung, trọng điểm mà rất dàn trải, những môn đạt giải cao chủ yếu là môn truyền thống; chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên chưa thỏa đáng. Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị luật sửa đổi lần cần này tập trung nhiều hơn để thúc đẩy 2 mảng chính của thể thao là thành tích cao và quần chúng.
Về quy định liên quan đến giáo dục thể chất và đảm bảo hoạt động thể thao trong nhà trường, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang sẽ rất khó khăn trong thực hiện vì thiếu thốn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất... Đại biểu Sang đề nghị Bộ GD-ĐT cần có đánh giá sơ bộ về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao trong nhà trường đến nay như thế nào, từ đó mới có cơ sở để đưa nội dung này vào luật. Còn nếu vẫn quy định nội dung này vào luật thì phải có cơ chế, xác định rõ trách nhiệm giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tránh tình trạng chồng lấn trách nhiệm giữa các bộ.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT dự kiến sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung mới 1 điều so với luật hiện hành.