Những luận điệu xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp của Bác, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh là hành động không thể chấp nhận. Mục đích của những kẻ này là phá hoại nền độc lập, hòa bình, ổn định của dân tộc Việt Nam; làm chệch hướng sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đưa Việt Nam vào quỹ đạo lệ thuộc, thay đổi chế độ. Vì vậy, tất cả mọi người cần hết sức thận trọng, kiên quyết đấu tranh với các thông tin sai trái, không để bị kẻ xấu hướng lái.
Để đấu tranh có hiệu quả với những luận điểm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần: Nắm chắc nội dung, bản chất từng luận điểm gắn với hoàn cảnh lịch sử và yêu cầu cụ thể cần giải quyết. Đồng thời, phải tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới; đưa những tư tưởng, quan điểm đó vào thực tế cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", chứng minh sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tế. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong cuộc đấu tranh tư tưởng này, hơn ai hết, đảng viên phải là những người đi đầu, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng. Muốn vậy, điều trước hết và chủ yếu là đảng viên phải có lập trường tư tưởng vững vàng, không mơ hồ, dao động; phải nói và làm theo nghị quyết, thực hiện đúng Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước; kiên định những vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng.
Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hòng hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh có ý nghĩa cấp thiết và cần có những nội dung, giải pháp toàn diện, đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là vấn đề cơ bản, quyết định đến chất lượng bảo vệ, đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Theo đó, cần tập trung làm rõ Hồ Chí Minh từ một người yêu nước, cách mạng chân chính, trải qua hoạt động thực tiễn đã tiếp thu và tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào yêu nước, phong trào công nhân Việt Nam; là người tổ chức thành lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người, Đảng đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại. Điều đó chứng minh rằng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào phong trào cách mạng Việt Nam, tạo nền tảng để kiến tạo thời đại mới của dân tộc Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh.
Ản minh họa
Ngày nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, đòi hỏi phải tiếp tục làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu, trở thành nền tảng chính trị - tinh thần chủ đạo của xã hội. Vì thế, cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Quá trình thực hiện, phải kiên trì, liên tục, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thiết chế văn hóa từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, tuyên truyền thường xuyên với giáo dục theo chủ đề, chuyên đề, mô hình, cách làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng. Lấy việc nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp thông qua những hành động cụ thể, hằng ngày để thu hút nhân dân cùng tham gia. Đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hành dân chủ, bảo đảm dân sinh, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo sức đề kháng vững chắc trong nhân dân. Bên cạnh đó, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục về âm mưu, nội dung, phương thức, thủ đoạn chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch; chủ động trang bị cho nhân dân cách phòng, chống. Đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền đối ngoại để người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới nhận thức rõ về sự vĩ đại của Hồ Chí Minh, thông qua việc đào tạo ngành Việt Nam học ở trong và ngoài nước; qua các công trình, đài tưởng niệm, đường phố, trường học, di tích,… về Hồ Chí Minh ở Việt Nam và thế giới để các tổ chức quốc tế, nhân dân thế giới hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam và Hồ Chí Minh.
Hai là, nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, v.v. Vì thế, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nguồn lực thông tin, lý luận đầy đủ, chắc chắn, đúng đắn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vấn đề nền tảng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt vấn đề này, không chỉ giúp chúng ta có được những thông tin đúng đắn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà còn loại bỏ các thông tin sai trái, phản động. Nếu không làm tốt nhiệm vụ này sẽ trực tiếp, hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc đấu tranh nói trên; thậm chí, trở thành cái cớ để luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh có dịp “bung nở”. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển một cách toàn diện, đồng bộ về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và trong xã hội.
Ba là, không ngừng bổ sung, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng, đất nước trong tình hình mới. Cùng với nghiên cứu làm rõ tính cách mạng, khoa học của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần bổ sung, phát triển, làm cho tư tưởng của Người có sức sống mạnh mẽ trong hiện thực, trở thành động lực thúc đẩy đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và mỗi người dân Việt Nam. Đảng ta đã vận dụng chủ nghủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đề ra đường lối, phương pháp lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, sức sống của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nằm trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Xây dựng Đảng ta “đạo đức và văn minh”, mỗi cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; đủ khả năng đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, tổ chức lãnh đạo Nhà nước và xã hội đạt được mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là đã bổ sung, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, các cấp cần đẩy mạnh thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; làm tốt công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống mãnh liệt trong đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình đó, cần nghiên cứu làm rõ mô hình, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; giá trị đích thực của các nguyên lý, luận điểm mà C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin, Hồ Chí Minh đã khái quát; bổ sung, làm phong phú thêm những vấn đề mà đương thời các ông chưa có điều kiện phát triển, v.v. Qua đó, cung cấp luận cứ khoa học cho cuộc đấu tranh, phê phán những quan điểm, tư tưởng xuyên tạc về Hồ Chí Minh.
Bốn là, cung cấp kịp thời, quản lý hiệu quả nguồn thông tin. Các cấp cần chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin chính thống cho nhân dân, kiên quyết không để bị động, đi sau, góp phần triệt tiêu mọi sự xuyên tạc, bóp méo thông tin. Cơ quan tuyên giáo, thông tin, truyền thông và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ mọi thông tin, đảm bảo mọi thông tin về Hồ Chí Minh đến với nhân dân đều chính xác. Đồng thời, đẩy mạnh định hướng dư luận, phổ biến pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; siết chặt quản lý, nhất là ở khâu biên tập nội dung, in ấn xuất bản. Thực hiện tốt Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt, trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên, phải thực hiện nghiêm túc các quy định, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là trong kỷ luật phát ngôn, quản lý tài liệu.
Năm là, các cơ quan, đơn vị cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các kênh thông tin truyền thống, của các cơ quan báo chí, truyền thông, kết hợp với các kênh thông tin mới trên Internet, mạng xã hội để đưa thông tin chính thống đến cán bộ, đảng viên và nhân dân một cách chính xác, kịp thời; thường xuyên nắm bắt và định hướng tư tưởng trong nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, chia sẻ về những mẩu chuyện, những lời dạy của Bác Hồ tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin sâu rộng, đồng thời, giáo dục, nâng cao nhận thức và tăng sức “đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận diện được âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch; mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy được trách nhiệm của bản thân trong cuộc chiến tư tưởng này để biết bảo vệ, ủng hộ cái đúng và can đảm đấu tranh, phản bác lại những thông tin sai trái, xuyên tạc, xấu độc.
Sáu là, việc nhận diện các quan điểm xuyên tạc, chống phá tư tưởng, hình ảnh Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của của Đảng. Trong điều kiện hiện nay, các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh việc chống phá cách mạng nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đạt được âm mưu của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đang xây dựng. Việc bảo vệ tư tưởng, hình ảnh Hồ Chí Minh nói riêng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biển tập viên Báo Đảng các địa phương và Trung ương - người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Tác giả: Anh Đức
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn