Vì vậy, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã khẳng định: Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên. Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nhanh; công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của sản phẩm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp tục tăng; du lịch phát triển nhanh; nông nghiệp chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông dân; phát triển kinh tế số bước đầu được chú trọng…; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%;… Đồng thời, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh sự thật, tại Đại hội XIII, Đảng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong ngành nông nghiệp, đó là: “tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại; chất lượng nhiều dịch vụ thấp. Kinh tế hợp tác phát triển yếu, kinh tế tập thể chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ… Chưa tạo được nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho phát triển”.
Trước thực trạng nêu trên, Đảng đã đề ra giải pháp: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái”…
Như vậy, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp là phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp; đồng thời, phát triển kinh tế nông thôn phải gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực tế phong trào xây dựng nông thôn mới trong những năm vừa qua cho thấy, ở địa phương nào phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển nhanh, có hiệu quả thì ở đó kinh tế nông thôn phát triển mạnh và đời sống vật chất cũng như tinh thần của nông dân có sự thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt, tại Đại hội XIII, Đảng đã đề ra nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với ngành nông nghiệp nước ta, đó là “phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”, để “phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ”.
Chủ trương nêu trên được xem là giải pháp hóa giải “điểm nghẽn” để tạo đà phát triển nông nghiệp ở nước ta trong những năm tới. Đây cũng là bước đột phá cho sự phát triển nông nghiệp. Bởi vì, muốn phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, thì ruộng đất không thể manh mún, nhỏ lẻ và cuối cùng là mức lợi nhuận thu được không đủ để bảo đảm chi phí sản xuất cũng như tiêu dùng trong cuộc sống của người nông dân. Vì vậy, với chủ trương nêu trên của Đảng, chắc chắn Chính phủ sẽ phải xây dựng chính sách để người dân coi đất đai là tài sản của mình, phải cải cách đất đai để nông dân tích tụ được đất đai với quy mô lớn. Có như vậy, nông nghiệp mới có thể sử dụng hiệu quả khoa học, công nghệ vào thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.
Một điểm mới được đông đảo nông dân đồng tình là trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số. Đó là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ. Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa các ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.
Nói tóm lại, nền nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp tạo ra chuỗi giá trị gia tăng chứ không chỉ dừng lại ở việc gia tăng sản lượng hàng hóa sản xuất ra. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phát triển nông nghiệp công nghệ không thể tách rời việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Và thực tế đã chứng minh hướng đi này là hoàn toàn đúng, vì trong 5 năm qua, cả nước đã có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn, hiện đại được khởi công mới, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, từ đó tạo ra năng lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu.
Như vậy, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển ngành nông nghiệp trong những năm tới là đã rõ. Vấn đề còn lại hiện nay là ngành nông nghiệp cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để đạt kết quả cao nhất. Cụ thể là đối với Bình Phước, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần chọn ngành nghề nào, cây, con gì và công nghệ ra sao cho phù hợp để tạo ra sự bứt phá?