Tham dự hội thảo có đồng chí Trần Tuyết Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Nguyễn Hữu Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông); đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số và trên 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, Bình Phước đang phấn đấu đến năm 2025 đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tỉnh cũng đang tích cực thực hiện chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có gần 10.000 doanh nghiệp, 275 hợp tác xã. Đến nay đã có trên 200 doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Hội thảo lần này được tổ chức để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số. Thông qua hội thảo, UBND tỉnh mong muốn sẽ nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan đến việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số và giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã tăng được doanh thu, người nông dân thì có lợi nhuận tốt, hợp tác xã thì kết nối tốt hơn với các sản phẩm. Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đến từ các cơ quan chuyên môn, đại học, tập đoàn, công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam như: Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục An toàn thông tin, Đại học RMIT Việt Nam, VNPT, Viettel, Mobifone, Công ty DTG, Công ty cổ phần Base Enterprise, Misa, Sen Đỏ, Công ty Thiên Nông đã có nhiều tham luận, chia sẻ về xu thế phát triển chuyển đổi số, giải pháp số, nền tảng số, nông nghiệp số, thương mại điện tử... Qua đó, nhằm định hướng rõ hơn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, năng suất, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả quản trị và năng lực cạnh tranh trên môi trường số hiện nay. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang phát biểu tại hội thảo
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang mong muốn, từ kết quả hội thảo này, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh sẽ ghi nhận, tổng hợp những ý kiến, giải pháp xác đáng, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để tiếp tục tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ, định hướng kịp thời cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nông hộ trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai, áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động. Đồng thời, giải quyết những khó khăn, tồn tại, bất cập; đề ra các chính sách tháo gỡ, giải pháp tối ưu thu hút các doanh nghiệp tham gia chương trình, sử dụng các nền tảng số để nâng cao hiệu quả quản trị, năng suất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quang cảnh hội thảo chuyển đổi số năm 2022 tại Bình Phước
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Định hướng đến năm 2025, Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Với quan điểm coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số, Bình Phước luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Trước mắt, Bình Phước chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa. Hiện, Bình Phước đang đứng top đầu về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử; xếp thứ hai về kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bình Phước đang đứng thứ ba khu vực Đông Nam Bộ; đứng thứ 6 trong các tỉnh phía nam về chỉ số chuyển đổi cấp tỉnh và xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.Tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 218 doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với 466 sản phẩm; 5 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện;160 doanh nghiệp đang dùng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; ngành thuế tỉnh đã và đang chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh. Qua hội thảo lần này, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số sẽ chia sẻ những định hướng, giải pháp, cách làm hay… để giúp tỉnh Bình Phước nắm bắt được những nội dung, giải pháp, cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các giải pháp an toàn thông tin trong chuyển đổi số… Trong đó, quan trọng nhất là nền tảng số - giải pháp đột phá để phổ biến, đưa công nghệ số trở thành một dịch vụ, một trong những yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.Nhân dịp hội thảo, Sở Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Trang thông tin điện tử chuyển đổi số tỉnh Bình Phước, có địa chỉ truy cập tại: “cds.binhphuoc.gov.vn”. Trang cập nhật thông tin về các nội dung văn bản chỉ đạo, điều hành; các hoạt động chuyển đổi số của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, tổ chức và hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đăng tải các thông tin (video, clip, infographic), tài liệu hướng dẫn, giới thiệu về các phần mềm, ứng dụng, nền tảng số, giải pháp chuyển đổi số để tổ chức, cá nhân nắm bắt, thích nghi và áp dụng các nền tảng số, công nghệ số vào hoạt động quản trị đơn vị, hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo ra các giá trị phát triển mới cao hơn./.