Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến đã giới thiệu khái quát tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, những nỗ lực của tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, trong công tác chuyển đổi số, Thái Nguyên là một trong những tỉnh sớm ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công cuộc chuyển đổi số tại địa phương. Đến nay, sau 1,5 năm thực hiện nghị quyết, Thái Nguyên đã thành lập Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); cung cấp trên 2.000 thủ tục hành chính (đạt 100%) đủ điều kiện mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai các ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số như: “C-ThaiNguyen”, “ThaiNguyen ID”, Sổ tay đảng viên điện tử.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác tỉnh Bình Phước với tỉnh Thái Nguyên
Thái Nguyên cũng đã triển khai “phòng họp không giấy” đối với các hội nghị của cấp ủy, HĐND, UBND từ cấp tỉnh đến cấp huyện; kết nối phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến 9/9 huyện, thành phố và 178/188 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Những kết quả trên 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số đã tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định xu thế chuyển đổi số sẽ tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, ngày 31-12-2020, Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, lấy ngày 31-12 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh, quyết liệt thực chính quyền, kinh tế và xã hội số bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, hiệu quả, trong đó xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh phát biểu tại buổi làm việc
Thay mặt đoàn công tác, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là những kết quả rất đáng ghi nhận trong lĩnh vực chuyển đổi số. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, những cách làm hay, sáng tạo, đột phá của Thái Nguyên sẽ là kinh nghiệm quý báu để tỉnh Bình Phước học hỏi, góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới. Đoàn công tác tỉnh Bình Phước tham quan Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi một số vấn đề liên quan tới tích hợp dữ liệu dân cư trực tuyến, xây dựng “Đô thị thông minh”, “Phiên chợ 4.0”, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục, y tế…Để chuyển đổi số thành công, Thái Nguyên chỉ đạo, trước hết là nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, trong đó tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 01 đến 100% cán bộ, đảng viên; tổ chức các khóa học bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức chuyển đổi số đối với hệ thống chính trị, tất cả cán bộ cấp xã, lãnh đạo doanh nghiệp. Các cấp, ngành trong tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số một cách thiết thực, phù hợp.Trong chương trình làm việc, đoàn công tác của tỉnh Bình Phước đã thăm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Đây được coi là "bộ não số" của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển, cho phép kết nối thông tin, trích xuất dữ liệu; tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền một cách công khai và minh bạch.Đoàn công tác cũng thăm Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Thái Nguyên và thực tế tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.