Những bước đi chập chững
Trong những ngày đầu tái lập (1997 - 2003), tỉnh gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, còn công nghiệp và dịch vụ thì quá nhỏ bé, kết cấu hạn tầng công nghiệp hầu như chưa có gì, BQL đã tham mưu cho tỉnh thành lập Khu công nghiệp Chơn Thành với diện tích 120ha, được giao cho Công ty Cổ phần đầu tư cơ sở hạ tầng Chơn Thành làm chủ đầu tư.
Từ những bước đi chập chững ban đầu ấy, trong giai đoạn từ năm 2003 - 2010, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư và được sự chấp thuận của tỉnh, Ban Quản lý đã mạnh dạn tham mưu cho tỉnh trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến 2010, Bình Phước được chập thuận quy hoạch 08 khu công nghiệp với diện tích 5.211,5ha.
Trong năm 2010 tỉnh đã thu hút được 13 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó: 01 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (Thanh Bình) với số vốn đăng ký là 141,8 tỷ đồng và diện tích thuê đất 91,94ha; 10 dự án thứ cấp đầu tư vào các khu công nghiệp với số vốn đăng ký kinh doanh là 34 triệu USD và 102 tỷ đồng, tổng diện tích thuê đất là 29 ha; 02 dự án thứ cấp đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 30 tỷ đồng và diện tích thuê đất là 09ha. Trong giai đoạn này, các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động.
Khẳng định vị thế
Từ năm 2011 đến 2016, sau khi BQL có văn bản tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp của tỉnh Bình Phước đến năm 2020, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch từ 19 Khu công nghiệp thành 13 Khu công nghiệp với diện tích 4.686ha, gồm: Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú có diện tích 190 ha, Khu công nghiệp Nam Đồng Phú diện tích 72 ha, Khu công nghiệp Đồng Xoài I diện tích 162ha, Khu công nghiệp Đồng Xoài II diện tích 84 ha, Khu công nghiệp Minh Hưng III diện tích 291 ha, Khu công nghiệp Chơn Thành II diện tích 76 ha, Khu công nghiệp Becamex Bình Phước diện tích 2.450 ha, Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico diện tích 655 ha, khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc diện tích 192ha, khu công nghiệp Chơn Thành I diện tích 124ha, Khu công nghiệp Việt Kiều, Khu công nghiệp Tân Khai II và Khu công nghiệp Đồng Xoài III.
Lễ khởi công xây dựng khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex Bình Phước (14/5/2015). Trong tổng số 13 KCN, hiện có 8 khu đang hoạt động với diện tích 1.191 ha, và đã thu hút được 164 dự án. Trong đó có 60 dự án trong nước và 104 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3.344 tỷ đồng và 1.070 triệu USD. Tổng diện tích đất đã cho thuê là 631 ha. Các KCN đã có 97 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số lượng lao động là 39.600 người (trong đó có 560 người là lao động nước ngoài). Các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN chủ yếu về các lĩnh vực chế biến gỗ, dệt nhuộm, may mặc, luyện cán thép, sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, gia công cơ khí, linh kiện điện tử... Đồng thời, phát huy lợi thế về nguyên liệu, lao động trong tỉnh, toàn tỉnh có trên 4.200 doanh nghiệp, 13 khu công nghiệp, 30 cụm công nghiệp; tạo việc làm cho trên 142 ngàn lao động, góp phần quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Vươn tới tương lai
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2015 - 2020), Ban Quản lý các Khu kinh tế sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, sớm lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có theo quy hoạch; xúc tiến triển khai dự án khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Đồng Phú, dự án Becamex Bình Phước. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản nhằm ổn định, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp; chế biến sâu thành các sản phẩm tinh chế nhằm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất; chú trọng việc lập quy hoạch tạo quỹ đất; tập trung đầu tư hạ tầng các KCN; xây dựng và tổ chức quảng bá chính sách thu hút đầu tư; đào tạo lao động...