Sự nỗ lực vượt bậc
Sau 20 năm tái lập, Bình Phước đã có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực tài chính, có nhiều chỉ tiêu cao gấp hàng chục lần so với năm 1997. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 1997 chỉ đạt hơn 1 nghìn 3 trăm tỷ đồng, đến năm 2016 ước thực hiện hơn 31 ngìn tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với ngày tái lập tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2015 đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4 lần thời điểm năm 1997. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 29 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước thực hiện hơn 1 triệu USD, tăng gấp hơn 38 lần so với năm 1997, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu bình quân giai đoạn 1997 - 2016 đạt hơn 18%. Kim ngạch nhập khẩu năm 1997 hơn 1 triệu USD, đến năm 2016 ước thực hiện hơn 300 triệu USD, tăng gấp 166 lần so với năm 1997.
Giai đoạn 1997 - 2015, ngành tài chính tỉnh liên tục hoàn thành dự toán thu chi ngân sách nhà nước, kích thích tăng trưởng kinh tế với tốc độ năm sau luôn cao hơn năm trước, nhất là nguồn thu từ doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động dịch vụ. Trong 20 năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 28 nghìn tỷ đồng, từ hơn 172 tỷ đồng (năm 1997), năm 2011 là 3.500 tỷ đồng đến năm 2015 đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gấp hơn 22 lần so với năm tái lập tỉnh. Năm 2008, Bình Phước đã gia nhập vào “Câu lạc bộ 1.000 tỷ” của cả nước. Cùng với sự gia tăng của thu ngân sách thì chi ngân sách của địa phương cũng tăng lên.
Trong cơ cấu thu - chi ngân sách giai đoạn 1997 - 2015, ngành tài chính luôn bảo đảm tiết kiệm, cân đối thu - chi. Đồng thời, ngành đã thực hiện linh hoạt các loại thuế ưu đãi để kích thích các nhà đầu tư trong và ngoài nước để nâng cao tốc độ phát triển kinh tế và bảo đảm việc làm ở địa phương. Ngành tài chính đã có nhiều cố gắng, đề ra nhiều biện pháp thích hợp khai thác nguồn thu, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi ngân sách, nhất là thực hiện chính sách giá mới, lương mới của Trung ương, chi phục vụ xây dựng cơ bản, sự nghiệp kinh tế, văn xã, quản lý hành chính đều đem lại hiệu quả thiết thực cho sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế ổn định và không ngừng nâng cao mức sống của người dân. Bên cạnh đó, các khoản chi được hạch toán một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất để ngân sách không bị thất thu mà vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nâng cao năng lực và trách nhiệm
Trong công tác quản lý tài chính, ngân sách, ngành đã triển khai và tổ chức thực hiện tốt nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Ngành đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh nhiều biện pháp quan trọng để hoàn thành dự toán thu, chi ngân sách nhà nước và trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dự toán ngân sách nhà nước hàng năm phù hợp với khả năng của địa phương. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành làm chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều chính sách, chế độ trong các lĩnh vực: cán bộ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội… phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Về công tác quản lý giá - công sản, ngành đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh các văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước về tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc mua sắm, điều chuyển, thanh lý, cho thuê, thu hồi, chuyển đổi hình thức sở hữu, sở hữu tài sản nhà nước đối với các loại tài sản theo qui định. Ngành đã thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành bảng giá các loại đất, hệ số (K) và các phương án giá đất tại địa phương; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng; trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, tiền cho thuê mặt nước, góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê và tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Ngành tài chính đã tham mưu thực hiện tốt công tác bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá tại địa phương; phối hợp, tham gia cùng các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra giá trên địa bàn. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị ở địa phương trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thẩm định dự toán chi phí phục vụ giải tỏa, đền bù, tái định cư; phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng định kỳ; hướng dẫn và tổ chức thực hiện đăng ký kê khai, quản lý cơ sở dữ liệu tài sản nhà nước đối với các loại tài sản theo qui định; tổ chức quản lý và khai thác tài sản nhà nước chưa giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng. Trong công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, thực hiện chủ trương của Chính phủ về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, ngành đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển đổi các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đồng thời đề xuất việc sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt.
Tập huấn qua mạng do Chi cục thuế Đồng Xoài tổ chức
Với những nỗ lực phấn đấu và quyết tâm cao của cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính của tỉnh, cùng sự chỉ đạo, lãnh đạo năng động, sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nguồn thu - chi; trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; quản lý chặt chẽ tài sản công; tăng cường hiệu lực quản lý giá cả, thanh tra, kiểm tra tài chính,… đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong 20 năm qua.