Thực hiện phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, qua rà soát tỉnh Bình Phước có 625 hộ nghèo, cận nghèo cần xây dựng mới và sửa chữa nhà ở. Trong đó, huyện Bù Đăng là nhiều nhất với 202 hộ, gồm 170 căn xây mới và 32 căn sửa chữa. Bù Đăng cũng là địa phương phần lớn diện tích đất vướng quy hoạch bô - xít và đất lâm phần nên việc xây dựng nhà gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tuy nhiên nhờ sự vào cuộc hỗ trợ về thủ tục pháp lý, địa phương đã thực hiện xây dựng lắp ghép nhà tiền chế giúp các hộ dân sớm có căn nhà mơ ước. Đây cũng là một tiêu chí đánh giá chất lượng giảm nghèo, nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới.
Căn nhà mơ ước
Với nguồn thu nhập ít ỏi từ làm công nhân Khu công nghiệp Đồng Xoài II, TP Đồng Xoài nên chị Điểu Thị Ái Hạ, ngụ thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình chỉ đủ nuôi 2 con nhỏ ăn học, trang trải cuộc sống còn để tích góp đủ tiền làm căn nhà ở là điều mà chị không hề dám mơ ước. Thế nhưng, sau nhiều năm phải ở nhờ vào nhà bố mẹ thì ngày 20-4 vừa qua, chị Hạ đã có căn nhà tiền chế khang trang, sạch đẹp rộng gần 50m2 để ở. Từ đây, 3 mẹ con chị Hạ đã có căn nhà ở riêng, ổn định cuộc sống lâu dài.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến ngày 23-4, 17 căn nhà (14 căn lắp ghép tiền chế mới, 3 căn sửa chữa) tại xã Nghĩa Bình đã từng bước hoàn thiện đảm bảo chất lượng, tiến độ, kịp bàn giao cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Các căn nhà tiền chế được ghép bằng tấm panel, diện tích 44m2, rộng 4m, dài 10m, nhà vệ sinh rộng 4m2, khung sắt, tôn lợp xốp cách nhiệt và hệ thống điện, bồn nước i-nox đầy đủ. Đơn vị thi công sẽ bảo hành yếu tố kỹ thuật trong vòng 1 năm.
Lãnh đạo huyện Bù Đăng bàn giao nhà tình thương, đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình Võ Quang Tú cho biết: Thực hiện lắp ghép nhà tiền chế là chủ trương kịp thời, đúng lúc, bởi Nghĩa Bình 100% diện tích dính quy hoạch bô-xít nên không thể triển khai xây dựng. Qua rà soát, khảo sát thực tế, các khu dân tộc thiểu số có nhiều trường hợp cần được xây dựng, sửa chữa nhà nên gặp rất nhiều khó khăn, bởi xây dựng nhà tiền chế chưa từng có tiền lệ nên hồ sơ, thủ tục pháp lý nhiều, trong khi đó yêu cầu phải làm nhanh gọn, kịp thời, đảm bảo chất lượng và đúng đối tượng. Khó khăn nữa là nhiều hộ ở trong các hẻm nhỏ sâu, xa nên việc vận chuyển vật liệu gặp rất nhiều khó khăn cho nhà thầu thi công, trong khi số tiền phải đảm bảo đúng quy địch không được xê dịch.
Theo ông Tú, để hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng, UBND xã phối hợp UBMTTQVN xã cũng với các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang và người dân cùng chung tay vào cuộc giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các hồ sơ đất đai, biên bản cam kết gửi cấp trên quyết định phân bổ vốn tạo điều kiện cho nhà thầu thi công thuận lợi nhất.
Chủ tịch UBMTTQVN xã Nghĩa Bình Trần Thị Thu Triều cho biết: Trong 17 hộ được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà thì phần lớn là người dân tộc thiểu số nên quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, họ phó mặc hoàn toàn cho địa phương, nhà thầu, từ khâu bình xét, kiểm tra hồ sơ, giải phóng mặt bằng, tiến trình xây dựng. Để đảm bảo tiến độ, từ khi có quyết định cấp vốn xây dựng, mặt trận và các đoàn thể thường xuyên phải theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ và quá trình thi công của nhà thầu. Khi có sự cố vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công, chúng tôi kịp thời phản hồi UBND xã để tìm phương án giải quyết. Nhờ đó, các công trình đều hoàn thành, bàn giao đảm bảo chất lượng và kịp tiến độ theo kế hoạch đề ra.
“Dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, tuy nhiên sau khi căn nhà hoàn thành bàn giao thì người dân mới vỡ oà niềm vui mừng, hạnh phúc. Bởi chủ yếu là người dân tộc thiểu số “hai không” không đất sản xuất, không công việc ổn định nên nếu có đi làm thuê, làm mướn cả đời cũng không thể xây được căn nhà như thế này. Và việc được hỗ trợ xây tặng nhà giúp các hộ dân yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình Võ Quang Tú chia sẻ.
Chưa có trong tiền lệ
Huyện Bù Đăng do 56% diện tích nằm trong vùng quy hoạch bô-xít, ngoài ra còn hàng ngàn héc ta vướng đất lâm phần chưa giao về địa phương quản lý. Trong khi đó, các hộ cần được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở các khu vực này nên việc xây dựng nhà ở gặp rất nhiều khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ về thủ tục pháp lý, kỹ thuật xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu chia sẻ: Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, bất cập, huyện đã đề nghị, kiến nghị các sở, ngành, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh tháo gỡ, tạo điều kiện cho Bù Băng thực hiện bằng nhiều giải pháp mang tính đặc thù riêng. Đó là xây dựng và lắp ghép nhà tiền chế đối với các hộ nằm trên đất lâm phần và nằm trên vùng đất quy hoạch khoáng sản bô-xít. Tuy nhiên, khi được tỉnh đồng ý cho huyện xây dựng và lắp ghép nhà tiền chế thì việc này chưa từng có tiền lệ, từ hồ sơ thanh quyết toán đến thiết kế mẫu. Xác định những khó khăn, vướng mắc đó, chúng tôi làm thí điểm một vài căn mẫu, trên cơ sở tính toán giá thành, chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn của tỉnh đưa ra, rồi từng bước nhân rộng mô hình.
Lãnh đạo xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng giám sát xây dựng nhà tiền chế cho hộ nghèo, cận nghèo
17 căn nhà lắp ghép tiền chế hoàn thành bàn giao cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng
Theo ông Lưu, Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát không phải là trách nhiệm của một phòng, ban chuyên môn hay cá nhân nào mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong đó, thiết kế mẫu nhà tiền chế chúng tôi giao cho Phòng kinh tế và hạ tầng thực hiện để đảm bảo thiết kế đúng tiêu chuẩn đề ra. Cùng với đó, các đơn vị, phòng, ban, địa phương cùng vào cuộc điều tra, khảo sát, xác định toạ độ. Đặc biệt, công việc xác định toạ độ vùng đất xây dựng nhà ở có vướng đất quy hoạch bô-xít hay đất lâm phần hay không thì giao cho Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện thực hiện đảm bảo đúng quy định. Từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng nên đối với những hộ dân tộc thiểu số khó khăn, vùng sâu, xa, chúng tôi huy động lực lượng địa phương tại chỗ cùng chung tay tháo gỡ công trình nhà tạm, nhà dột nát để giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vào cuộc của hệ thống chính trị, đến ngày 25-4, toàn bộ 170 căn nhà lắp ghép tiền chế mới và 32 căn nhà sửa chữa đã hoàn thành bàn giao cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
“Nhờ các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, tỉnh, ngân sách của huyện và vận động hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát địa bàn Bù Đăng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, các hộ dân thụ hưởng chương trình họ không thể ngờ rằng chỉ trong thời gian ngắn với sự vào cuộc quyết liệt của ban chỉ đạo tỉnh, huyện, xã mình đã có được căn nhà mơ ước. Cũng nhờ chương trình này mà Bù Đăng có 202 hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng sâu, xa đã được ở trong căn nhà khang trang, sạch đẹp hơn, từ đó giúp người dân ổ định phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Mục tiêu của huyện Bù Đăng là phải cố gắng hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30-4 của Ban chỉ đạo tỉnh. Đây là dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và điều đó đã thực hiện được, giúp các hộ có căn nhà ở mới trong những ngày lễ trọng đại này”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu chia sẻ.
Cùng với Bù Đăng thì những ngày vừa qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã gấp rút hoàn thành xây dựng mới và sửa chữa nhà, kịp thời bàn giao cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là món quà vô cùng to lớn không chỉ để người dân đón mừng ngày lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững./.