Hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sau sắp xếp đơn vị hành chính
Tuyết Anh
2025-04-23T19:14:23-04:00
2025-04-23T19:14:23-04:00
https://tinhuybinhphuoc.vn/xay-dung-nong-thon-moi/huong-dan-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-xay-dung-nong-thon-moi-va-giam-ngheo-ben-vung-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-4443.html
https://tinhuybinhphuoc.vn/uploads/news/2025_04/image-20250424061249-1.jpeg
Đảng Bộ tỉnh Bình Phước
https://tinhuybinhphuoc.vn/uploads/cobay-ncp.gif
Thứ tư - 23/04/2025 19:12
Ngày 11 tháng 4 năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 1005/BNNMT-PC hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đối với các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Văn bản này được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025.
I. CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025
1. Về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình NTM:
Đối với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh - xã), việc điều chỉnh cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình NTM sẽ theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. UBND cấp tỉnh sẽ chỉ đạo thống nhất việc thực hiện trên toàn tỉnh, bao gồm việc chấm dứt hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG cấp huyện và Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện; kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các xã hình thành mới (nếu cần); phân công lại nhiệm vụ phù hợp cho cấp tỉnh hoặc UBND xã; và bàn giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu từ cấp huyện lên cơ quan tiếp nhận.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, việc thực hiện chế độ, chính sách theo Chương trình NTM sẽ tuân theo Điều 15 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Cụ thể, các xã cùng hưởng chính sách khi sáp nhập sẽ tiếp tục thực hiện như cũ cho đến khi có văn bản điều chỉnh hoặc hết thời hạn chương trình. Trường hợp sáp nhập với xã không hưởng chính sách, khu vực đang hưởng vẫn tiếp tục được hưởng. Các xã thay đổi tên gọi sẽ sử dụng tên mới để tiếp tục thực hiện chính sách.
2. Về quản lý và sử dụng vốn ngân sách trung ương:
Nguyên tắc xử lý tài chính, ngân sách nhà nước của Chương trình NTM khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp sẽ thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và hướng dẫn tại văn bản số 4205/BTC-NSNN ngày 02/4/2025 của Bộ Tài chính.
Về phân bổ vốn ngân sách trung ương, UBND cấp tỉnh chủ động rà soát, xây dựng phương án điều chỉnh, phân bổ vốn trình HĐND cùng cấp quyết định, đảm bảo phù hợp với mô hình chính quyền 02 cấp, căn cứ theo Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg. Việc chuyển tiếp quản lý các nhiệm vụ, dự án đầu tư công sẽ theo quy định pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Quản lý, sử dụng tài sản công:
Việc quản lý, sử dụng tài sản công hình thành từ Chương trình NTM sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
4. Công nhận đạt chuẩn NTM:
Trước thời điểm sắp xếp, các địa phương có hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg (sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg) vẫn tiếp tục được xét, công nhận đạt chuẩn NTM. UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện quy trình xét, thẩm định đối với cấp xã, đảm bảo hoàn thành trước khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực. Đối với cấp tỉnh, cấp huyện, hồ sơ đề nghị xét, công nhận cần gửi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) trước ngày 30/4/2025.
Sau thời điểm nêu trên, việc xét, công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đối với cấp tỉnh, xã sẽ tạm dừng cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới. UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM phù hợp với bối cảnh mới.
5. Thực hiện các Chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM:
Về tổ chức thực hiện các mô hình thí điểm, đối với các mô hình trước đây giao UBND cấp huyện thẩm tra, UBND cấp tỉnh sẽ rà soát và điều chỉnh theo hướng giao đơn vị chuyên môn cấp tỉnh chủ trì thẩm tra, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Trường hợp các xã thay đổi tên gọi và không còn cấp huyện, cần rà soát phạm vi, địa bàn và sử dụng tên gọi mới để tiếp tục thực hiện chính sách.
Về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện công tác đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện (3 sao) và cấp tỉnh (4 sao, tiềm năng 5 sao). UBND cấp huyện hướng dẫn, hỗ trợ nộp hồ sơ chậm nhất ngày 31/5/2025 và hoàn thành công nhận 3 sao, đề nghị công nhận 4 sao trước khi không còn cấp huyện (dự kiến trước 30/6/2025). Việc công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (cấp tỉnh) cần hoàn thành trước khi sáp nhập cấp tỉnh (dự kiến trước 30/8/2025). UBND cấp huyện hướng dẫn các chủ thể nộp hồ sơ và đánh giá lại sản phẩm OCOP trước thời hạn nếu có nhu cầu. Hồ sơ đề nghị đánh giá OCOP cấp quốc gia cần gửi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 30/5/2025 (đối với hồ sơ sử dụng địa chỉ cũ) hoặc trước ngày 30/7/2025 (đối với hồ sơ chịu ảnh hưởng của sáp nhập cấp tỉnh). Cần bàn giao hồ sơ sản phẩm và hồ sơ họp Hội đồng OCOP cấp huyện cho đơn vị quản lý OCOP cấp tỉnh, đặc biệt là hồ sơ sản phẩm OCOP 3 sao còn thời hạn.
6. Thực hiện chủ trương của Trung ương:
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để Chương trình NTM đạt được các mục tiêu cao nhất của giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, chỉ đạo chuẩn bị xây dựng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn hiện đại giai đoạn 2026-2030 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bám sát các văn kiện của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
II. CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
1. Đối với đơn vị hành chính cấp xã:
Đối với xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) sáp nhập với nhau hoặc với xã đạt chuẩn NTM, thị trấn, xã bình thường, các dự án, tiểu dự án sẽ thực hiện theo tổng mức đầu tư của các xã ĐBKK trước khi sáp nhập và tiếp tục hỗ trợ đầu tư trên địa bàn cũ cho đến khi có văn bản điều chỉnh hoặc hết thời hạn chương trình. Nội dung hỗ trợ thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững vẫn được thực hiện đối với người dân đang sinh sống trên địa bàn xã ĐBKK theo địa bàn cũ.
Đối với xã ĐBKK có tên thay đổi sau sáp nhập, tên đơn vị hành chính mới sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn cũ.
2. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện:
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, quyết định việc điều chỉnh tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững đối với cấp huyện sau khi sắp xếp. Các dự án, tiểu dự án đầu tư theo tổng mức đầu tư của các huyện nghèo cũ sẽ tiếp tục được thực hiện và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn cũ cho đến hết thời hạn chương trình. Các nội dung hỗ trợ thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững vẫn được thực hiện đối với người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện nghèo cũ cho đến khi có văn bản điều chỉnh hoặc hết thời hạn chương trình.