Sau 9 năm thành lập và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay khu vực nông thôn của huyện Phú Riềng có sự thay đổi tích cực và ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ và khang trang; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, mức sống của người dân ngày càng nâng cao.
Nhiều điểm nhấn nổi bật
Chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật sau 9 năm thành lập và xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng Lê Văn Chung cho biết, đó là hệ thống giao thông được mở rộng, đầu tư xây dựng kết nối, thôn nối thôn, xã nối xã, Phú Riềng nối với các huyện, thị khác trong tỉnh. Từ đó đảm bảo việc đi lại cho người dân, lưu thông hàng hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, huyện Phú Riềng đã đầu tư xây dựng 10 cầu bê tông xi măng và hơn 341 km đường giao thông các loại với tổng kinh phí 1.620,966 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước 1.577,505 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 43,461 tỷ đồng). Vận động 2.476 hộ dân hiến đất giải phóng mặt bằng tại 17 công trình xây dựng giao thông với 2.817 thửa/tổng 179,35 ha diện tích thu hồi; đồng thời phá dỡ hàng rào, nhà cửa của 161 hộ dân để giải phóng mặt bằng. Nhiều tuyến đường được nâng cấp mở rộng và làm mới như tuyến Bù Nho - Phước Tân, Bình Sơn - Long Hưng, Phú Trung - Phước Tân…
Cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn. Đến nay toàn huyện có 23/39 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Thực hiện nghị quyết của Huyện uỷ Phú Riềng về xoá nhà tạm, nhà dột, đến nay đã xây 478 căn nhà hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở. Công tác giảm nghèo được quan tâm, chú trọng với tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua hàng nănm. Tổng điều tra soát hộ nghèo theo chuẩn mới, tiếp cận đa chiều, đầu năm 2016 toàn huyện có 1.122 hộ nghèo/22.818 hộ dân toàn huyện, chiếm 4,92%. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay toàn huyện chỉ còn 41 hộ nghèo, chiếm 0,168%. Các mô hình kinh tế tập thể được xây dựng, phát triển đạt hiệu quả cao. Toàn huyện có 27 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 17 trang trại hoạt động hiệu quả. Công tác xây dựng sản phẩm Ocop được các địa phương chú trọng thực hiện. Đến nay, địa bàn huyện có 21 sản phẩm Ocop, trong đó 9 sản phẩm được chứng nhận 4 sao, 12 sản phẩm chứng nhận 3 sao. Mức sống, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao. Nếu như năm 2015 thu nhập chỉ đạt 39,8 triệu đồng/người/năm thì năm 2023 đạt 77,85 triệu đồng/người/năm, tăng 38,05 triệu đồng/người so với năm 2015.
Đến nay, Phú Riềng đã có 10/10 xã đạt chuẩn NTM (trong đó, 8 xã đã có quyết định công nhận, 2 xã Phú Trung và Phước Tân hội đồng cấp tỉnh đã thẩm định chờ ban hành quyết định công nhận) và 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó, 3 xã đã có quyết định công nhận, xã Bình Sơn tỉnh đã thẩm định chờ ban hành quyết định công nhận).
Nhà văn hoá thôn Phú Tâm, xã Phú Trung được xây dựng khang trang rộng rãi từ đất hiến của người dân
Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn huyện Phú Riềng đang gặp không ít khó khăn. Đó là xuất phát điểm thấp, việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân dù đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, chưa hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Công nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển chậm, nhất là ngành công nghiệp nên chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trên địa bàn huyện. Ngoài ra, nhận thức của người dân về xây dựng NTM có nơi còn chưa cao, vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân, nhất là người dân tộc thiểu số có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; việc huy động người dân tham gia chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc hiến đất giải phóng mặt bằng, tham gia ngày công lao động...
Tổng lực cho nông thôn mới
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng Lê Văn Chung cho biết thêm: Khắc phục những khó khăn, hạn chế và phát huy những kết quả đạt được, hiện nay Phú Riềng đang phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt 15 tiêu chí chuẩn NTM nâng cao (theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025). Cùng với đó, phấn đấu xây dựng xã Bù Nho trở thành thị trấn và hướng đến đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2025. Tiếp tục duy trì và hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí huyện NTM. Và để huyện về đích NTM yêu cầu đề ra phải đạt 9/9 chỉ tiêu, 36 tiêu chí (theo bộ tiêu chí huyện đạt NTM giai đoạn 2021-2025). Hiện Phú Riềng đã và đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh những tiêu chí chưa đạt, từng bước hoàn thiện hồ sơ.
Để cán đích theo lộ trình đề ra, ông Chung cho biết sẽ tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu của cấp trực tiếp thực hiện xây dựng NTM. Các phòng, ban, đơn vị, địa phương cần nhận thức xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị, kết quả thực hiện là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và mỗi cá nhân. Tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh rà soát mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 để chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng NTM ngày càng chuyên nghiệp.
Tuyến đường liên xã Phú Trung - Phước Tân huyện Phú Riềng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, đi lại thuận tiện
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về nội dung xây dựng NTM. Triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp; đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng NTM. Rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng NTM thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch… để đầu tư vào khu vực nông thôn.
Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Lãnh đạo xã Phước Tân, huyện Phú Riềng thăm mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn
Ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ chương trình NTM, huyện tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương; các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao.
Huyện xác định nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM. Thời gian tới tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, kịp thời thông tin về những mô hình hay, sáng tạo trong xây dựng NTM cho người dân học tập; tăng cường công tác vận động người dân chung tay góp sức dưới mọi hình thức để tăng thêm nguồn lực trong xây dựng NTM; chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị định kỳ kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng NTM tại các địa phương để tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tìm hướng tháo gỡ; đồng thời giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập của các địa phương.