Năm 1961 đến đầu năm 1965, trong tổng số 75 ấp chiến lược ở Bình Long, ta đã phá tan 58 ấp, còn lại 17 ấp trong thị xã, bộ máy kèm kẹp của địch cũng xộc xệch. Điển hình là ấp chiến lược Tổng Cui, chỉ trong đêm 11/11/1963, đồng bào nổi dậy tự đốt gần 50 căn nhà của mình, phá rào ấp chiến lược kéo nhau về xóm cũ. Ngay hôm sau đồng bào lại kéo ra thị xã An Lộc đấu tranh đòi chính quyền ngụy bồi thường thiệt hại, buộc địch phải chấp nhận bồi thường.
Đội thồ nữ Bình Long- đơn vị thường xuyên vận chuyển vũ khí, lương thực, thương binh, liệt sĩ phục vụ cho tiểu đoàn 368 tác chiến trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước)
Cùng với phong trào phá ấp chiến lược, trong những năm 1961 - 1965, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh khắp các xã trong huyện, dân và quân vùng giải phóng đã dựng được 200.000m rào, bố trí 8.200 bãi tử địa bằng mìn, hầm chông, hố đinh, cắm trên 700.000 cây chông, phá sập và hư hỏng 54 cầu, 58 cống, đào phá rất nhiều đoạn đường quốc lộ 13, ngăn chặn giao thông địch. Cũng trong thời gian này có trên hàng trăm thanh niên vùng giải phóng các làng sở, các xã trong huyện thoát ly tham gia lực lượng vũ trang cách mạng, khí thế cách mạng của quần chúng áp đảo địch, địch co lại trong các đồn bót trong thị trấn, thị xã.
Khi Mỹ tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ, ở chiến trường Bình Long, địch xây dựng thêm căn cứ quân sự, sân bay, bố trí thêm đồn bót, gom dân vào các ấp chiến lược; hủy diệt vùng căn cứ, vùng giải phóng của ta bằng bom, pháo, bằng chất độc hóa học.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, của Trung ương Cục miền Nam, quân và dân Bình Long xây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng, du kích mật, đảng viên mật trong các ấp chiến lược, tạo được thế hai chân ba mũi, liên tục tiến công địch cả về quân sự và đấu tranh chính trị. Trong năm 1966 - 1967, từ Sóc Tranh đến Tổng Cui, quân và dân ta đã xây dựng 10 km hàng rào chiến đấu, đào gần 1.000 hầm chống pháo và trên 200 hầm, ụ chiến đấu. Trong một trận phục kích ở An Khương (tháng 2/1968), lực lượng vũ trang huyện đã bắn cháy và phá hủy 17 xe tăng, xe bọc thép, đốt ấp chiến lược Phú Miêng, Bò Com, Xa Cát, diệt tề phá, phòng vệ dân sự. Đặc biệt là những trận đốt ấp chiến lược Phú Lạc, Phú Hòa (tháng 6/1969) ngay sát nách thị xã và sân bay, diệt bọn bình định, lính Trường Sơn làm bọn địch trong thị xã rất hoang mang. Những trận phối hợp lực lượng mật, cơ sở cách mạng bên trong ấp chiến lược Bò Com, Văn Hiên, Xa Trạch, Phú Miêng… diệt gọn cả tiểu đội, trung đội dân vệ, bảo an địch trong năm 1970 - 1971 đã có tác dụng hỗ trợ tốt cho phong trào đấu tranh của quần chúng, nới lỏng sự kìm kẹp của địch. Một số toán phòng vệ dân sự ở Bò Com, Sở 4, Xa Cát, Xa Cô Hai, Văn Hiên được nhân dân vận động đã bỏ súng tập thể không đi gác.
Năm 1972, ta mở chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến trường Bình Long rền tiếng bom đạn ngày đêm, thị xã An Lộc bị địch hủy diệt hoàn toàn. Hàng ngàn nhà cửa, vườn tược nhân dân trên khắp các xã trong huyện bị tàn phá, hơn 2.800 đồng bào thị xã An Lộc và vùng lân cận bị bom pháo địch giết hại và hàng trăm người khác bị thương. Khi ta chuyển gần 10.000 dân trong các ấp chiến lược ra vùng giải phóng lại có thêm trên 2.000 đồng bào nữa bị bom pháo địch giết hại trên đường. Quân và dân Bình Long phối hợp với quân chủ lực tiến công bao vây đánh tiêu diệt các ban tề ngụy ấp Phú Miêng, Phú Lạc, Bò Com, Văn Hiên… Đặc biệt là chi khu Chơn Thành khi địch tập trung lực lượng lớn các đơn vị chủ lực để phản kích chiếm lại Bình Long bị ta chặn đánh quyết liệt, tổn thất nặng nề, tinh thần hoang mang dao động, chỉ trong 5 tháng nhân dân đã tranh thủ vận động, giáo dục thuyết phục, hướng dẫn, giúp tiền bạc hoặc dẫn đường cho trên 500 binh sĩ sư đoàn 5, sư đoàn 9 ngụy bỏ ngũ, rã ngũ.
Sau hiệp định Paris, dân và quân Bình Long tiếp tục tiến công bao vây, dồn ép chống địch lấn chiếm, giữ vững, xây dựng củng cố vùng giải phóng. Năm 1973 - 1974, nhân dân vùng căn cứ, vùng giải phóng tích cực sản xuất giải quyết được căn bản về lương thực cho hàng chục ngàn đồng bào và lực lượng cách mạng.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1974 - 1975, được sự chi viện của Trung ương và của Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 06/01/1975, tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long. Đây là lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là một đòn trinh sát chiến lược, tạo tiền đề cho Bộ Chính trị, Trung ương có quyết định và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm.
Phát huy thắng lợi, ta tiếp tục củng cố vùng giải phóng, đồng thời bao vây, tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc (Bình Long). Ngày 23/3/1975, Trung tâm tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long - trung tâm chính trị - hành chính, nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của tỉnh được giải phóng và cũng chính là nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của đối phương đã sụp đổ toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội. Tỉnh Bình Phước được giải phóng.
Ngày 15/4/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa IX đã quyết định chọn ngày 23/3/1975 là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước để ghi dấu son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước trên quê hương Bình Phước anh hùng.
Sau khi Bình Phước hoàn toàn giải phóng, quân và dân trong tỉnh ra sức ổn định tình hình, xây dựng và bảo vệ vùng mới giải phóng, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần vào thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.